Quản lý bộ đội là quản lý con người, là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, liên tục của các chủ thể quản lý (đội ngũ cán bộ các cấp và các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) đến bộ đội thông qua các phương thức và công cụ quản lý nhằm bảo đảm cho mọi quân nhân thực hiện thống nhất và hiệu quả nhiệm vụ, chức trách của mình, tạo cho tập thể quân nhân trở thành một khối thống nhất ý chí, tổ chức và hành động.

Phương thức quản lý bao gồm phương pháp và hình thức quản lý cụ thể. Đội ngũ cán bộ các cấp cần phải nắm chắc và sử dụng có hiệu quả các phương pháp và hình thức quản lý. Các phương pháp quản lý bao gồm: Phương pháp hành chính quân sự; phương pháp tâm lý xã hội và phương pháp động viên kích thích bộ đội bằng vật chất và tinh thần. Các hình thức quản lý bao gồm: Tập trung, nhóm, tập thể và cá nhân.

Đội ngũ cán bộ các cấp cần phải kết hợp hài hòa và linh hoạt các phương pháp, hình thức và công cụ quản lý phù hợp với từng đối tượng quân nhân cụ thể. Tùy theo đặc điểm về nhận thức, tính cách, phong tục tập quán của từng quân nhân và tập thể quân nhân để sử dụng các phương pháp và hình thức quản lý cho hiệu quả. Không nên sử dụng chủ yếu phương pháp hành chính quân sự (thông qua mệnh lệnh và cơ chế chấp hành của các quân nhân) để quản lý bộ đội dễ dẫn đến hành chính hóa, mệnh lệnh hóa. Nếu quá lạm dụng phương pháp này và chủ yếu dựa vào công cụ quản lý có tính chất pháp lý như điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định sẽ tạo cho quân nhân cảm giác gò bó (quá rắn). Ngược lại, các cán bộ quản lý cũng không nên sử dụng chủ yếu các phương pháp tâm lý, xã hội bởi phương pháp kích thích quân nhân dễ dẫn đến sự dễ dãi, coi thường kỷ luật, tình cảm lấn át (quá mềm).

Quản lý rắn hay mềm không phải là vấn đề rạch ròi đặt ra cho đội ngũ cán bộ các cấp mà đòi hỏi mỗi cán bộ với trình độ, năng lực và sự tâm huyết của mình để sử dụng “liều lượng” mỗi biện pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Thượng tá, Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN SINH (Chủ nhiệm bộ môn, Khoa Sư phạm quân sự, Học viện Chính trị)