Một số làng nghề phát sinh nguồn nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh); làng nghề làm bún Khắc Niệm; làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du); làng nghề nấu rượu Đại Lâm (huyện Yên Phong)...

Nước thải với bọt trắng ô nhiễm được xả thẳng ra sông Cầu.

Ngoài ra, một số làng nghề tái chế kim loại, như: Làng nghề tái chế thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn); làng nghề tái chế nhôm Văn Môn (huyện Yên Phong) cũng gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù được các cấp, ngành chức năng quan tâm xử lý song kết quả chưa thực sự khả quan. Hằng ngày, lượng nước thải này vẫn đang “bức tử” sông Cầu. Nghiêm trọng hơn, dòng sông Cầu không chỉ là nơi nuôi dưỡng, sinh sôi và cung cấp tôm, cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt của người dân và tưới tiêu, canh tác vùng hạ lưu.

Có mặt tại khu vực thị trấn Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, chúng tôi thấy nhiều cống nước thải với bọt trắng cùng mùi hôi hắc, nồng, được đổ thẳng ra sông Cầu. Dọc mép sông, các loại cá chết dạt vào bờ. Ông Trần Văn Bình (78 tuổi), người dân xã Phong Khê (TP Bắc Ninh) nói: “Ông, bà, cha, mẹ chúng tôi đã sinh sống và gắn bó với dòng sông Cầu này bao đời nay. Thế nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đời con cháu chúng tôi làm sao có thể mưu sinh bên dòng sông này được nữa...”.

Trước thực trạng các nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cuộc sống của các loài thủy sinh trên sông Cầu, đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có giải pháp ngăn chặn, xử lý tập thể, cá nhân xả thải, nhằm giảm tình trạng ô nhiễm.

Bài và ảnh: DIỆU MY