Bảo tàng có không gian rộng gần 2.000m2, gồm 9 phòng với hơn 4.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày. Bảo tàng là bằng chứng sống tái hiện chân thực “địa ngục trần gian” ở nhà tù của thực dân, đế quốc, nhất là nhà tù Phú Quốc. Khách tham quan đến đây không khỏi rùng mình trước tội ác chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho chiến sĩ và đồng bào ta với các hình thức tra tấn như: Đóng đinh vào cơ thể, ném người vào chảo dầu, nhốt trong thùng phuy, đục răng, rút móng tay, móng chân... Dù dùng các hình thức tra tấn vô cũng dã man, tàn nhẫn nhưng quân địch không làm lay chuyển được tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ cách mạng.

Hằng ngày có khá nhiều du khách tới thăm bảo tàng.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng chia sẻ: “Là bảo tàng tư nhân nên mọi hoạt động đều từ sự đóng góp của các cựu chiến binh, nhà hảo tâm. Để bảo đảm hướng dẫn và phục vụ các đoàn tham quan, hằng ngày tại bảo tàng có tới 20 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc. Ai đến đây cũng trên tinh thần tự nguyện, coi bảo tàng là nhà mình, không nhận bất kỳ một khoản tiền nào. Mọi người chia sẻ công việc, góp công sức nhỏ bé như một sự tri ân những đồng đội đã hy sinh”.

Từ khi thành lập đến nay, trung bình mỗi tháng bảo tàng đón tiếp khoảng 20 nghìn lượt khách tới tham quan, học tập. Bảo tàng là “địa chỉ đỏ” cho học sinh, sinh viên các trường từ tiểu học đến đại học trên địa bàn huyện và thành phố đến tìm hiểu truyền thống cách mạng.

Đảm nhiệm công việc “hướng dẫn viên” từ khi bảo tàng được thành lập, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dã cho biết: “Bản thân tôi may mắn được trở về với gia đình, quê hương. Mặc dù sức khỏe không còn như trước nhưng hằng ngày tôi vẫn chạy xe đến bảo tàng để cùng mọi người hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan. Bằng thực tế trải qua cuộc sống gian khổ, chúng tôi phải có trách nhiệm để mọi người biết được tinh thần chiến đấu kiên trung của các chiến sĩ ta trong nhà tù Phú Quốc và tội ác của bọn đế quốc. Với tôi và các đồng đội ở đây, đó là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả như một sự tri ân đến đồng đội đã hy sinh”.

Bài và ảnh: VÕ ĐÔNG