Theo quy định tại Điều 3, 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi xây dựng và ban hành một văn bản nằm trong Hệ văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2) phải đạt yêu cầu: Đảm bảo tính thống nhất và ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng dễ hiểu.
Riêng đối với BLHS thì yêu cầu trên đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ hơn bởi lẽ, chế tài của luật hình sự là hình phạt, động chạm đến quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm; nếu bị áp dụng có trường hợp phải tước đoạt quyền sống của con người.
Như vậy, BLHS năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, ở một số điều khoản của luật phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như những người tham gia tố tụng nếu áp dụng có lợi hoặc ngược lại cho người bị buộc tội, chẳng hạn:
Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.
I. Về nguyên tắc xử lý đoạn 2, điểm d, Điều 3 BLHS quy định: “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.
Những điểm chung nêu trên đều được phát triển cụ thể thành các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999, còn tình tiết “đầu thú” tuy được xếp ở vị trí thứ hai ở Điều 3 nhưng lại bị đưa xuống khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
Về giá trị pháp lý, nếu người bị buộc tội chỉ cần có thêm 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì số phận của họ được thay đổi về chất; thông thường không bị Tòa án xử “kịch khung” hình phạt, hay có thể không bị áp dụng hình phạt tử hình, chung thân, hoặc từ chung thân xuống hình phạt tù có thời hạn, thậm trí được chuyển khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Ngược lại, mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định ở khoản 2 Điều 51 nhưng nó chỉ có tác dụng được giảm mức án phạt tù trong khung, nhưng không được sử dụng là căn cứ để chuyển khung hình phạt.
Có ý kiến cho rằng khi có tình tiết “Đầu thú”, Tòa án phải coi đó là tình tiết giảm nhẹ của khoản 2 Điều 51, chứ không phải là có thể áp dụng hoặc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
Ý kiến trên có tình, có lý nhưng không buộc: Khi xét xử “Tòa án phải coi đó là tình tiết giảm nhẹ …”, vì khoản 2 Điều 51 BLHS đã quy định: “Khi quyết định hình phạt Tòa án có thể coi đầu thú hoặc các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Như vậy tuy điều luật chỉ “đích danh” đầu thú là tình tiết giảm nhẹ hoặc các tình tiết khác, nhưng người áp dụng luật đứng trước quy định “có thể” là họ có quyền áp dụng hay không áp dụng, “có thể” là quy định tùy nghi không bắt buộc phải thực hiện mà phụ thuộc vào sự lựa chọn của người có thẩm quyền áp dụng.
Để hạn chế việc lựa chọn tùy nghi, giá như khoản 2 Điều 51 BLHS quy định: “ Khi quyết định hình phạt Tòa án phải coi đầu thú hoặc có thể xác định các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án” .
II. Tình tiết Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS, được Tòa án nhân dân tối cao giải thích: Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.
- Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các tường hợp sau đây:
- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;
- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.
Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 khi có đủ 02 yếu tố: “Phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 (điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS 15) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
III. Về tha tù trước thời hạn có điều kiện đoạn: Điểm 1 Điều 66 BLHS quy định:
1. Người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu.
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt
c) Đã chấp hành ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Quy định trên cho thấy đối tượng tha tù trước thời hạn được áp dụng kể cả người phạm tội thuộc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng chỉ trừ những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 66 BLHS.
Thực tế có nhiều người bị kết án không thuộc trường hợp như khoản 2 Điều 66 nhưng họ phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 cũng như g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, song theo quy định tại khoản 2 của hai điều luật trên thì “các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu để định tội hay định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Ví dụ: Bị cáo A trong 2014, 3 lần có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 1.000.000.000 đồng gồm, lần đầu 200 triệu đồng, lần hai 300 triệu đồng, lần ba 500 triệu đồng, A bị phạt 16 năm tù theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999, nhưng bản án không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần”.
Vấn đề tranh luận ở đây tuy cùng quy định “phạm tội lần đầu” tại điểm i khoản 1 Điều 51 với điểm a khoản 1 Điều 66 BLHS 2015 nhưng tại sao nội dung lại chứa đựng những điều kiện áp dụng khác nhau giữa giai đoạn Điều tra, truy tố, xét xử với giai đoạn chấp hành án? Giá như quy định “Phạm tội lần đầu” tại điểm a Khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015 được thay bằng cụm từ “Lần đầu bị kết án” thì phù hợp hơn bởi lẽ: Quy định như vậy nó “ôm” được các trường hợp nếu người bị kết án thuộc trường hợp phạm vào 2 tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” và “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại các điểm b, g khoản 1 Điều 52 BLHS. Đồng thời nó cũng không mâu thuẫn với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về tình tiết: “Phạm tội lần đầu”.
Luật sư NGUYỄN THÀNH MINH (Văn phòng Luật sư Bùi Lan- Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang)