Ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh:
Dựa vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới
Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang trong quá trình phấn đấu để tất cả các xã, huyện trong tỉnh đạt chuẩn NTM và tiến tới đạt tỉnh NTM như Nam Định và Đồng Nai. Chúng tôi đã có dịp tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng NTM tại tỉnh Nam Định. Chúng tôi thấy, một trong những cách làm hay dẫn đến thành công trong xây dựng NTM của Nam Định là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất cá thể, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản. Tỉnh Nam Định đã xây dựng được các cánh đồng lớn liên kết giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Các mô hình liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao tạo sự khác biệt; mô hình trồng cây thìa canh, đinh lăng, cà chua, dưa chuột ở huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP của Nam Định rất thành công… Mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết đã tạo cơ hội để người nông dân làm giàu từ đồng ruộng quê mình. Đây là cách hay, vừa tạo môi trường, cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp thu chọn lọc để ứng dụng trong thực tế xây dựng NTM ở địa phương mình.
HOA LÊ (ghi)
----------------------
Ông Nông Ích Chấn, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái:
Quan tâm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số-
Đọc, nghiên cứu vệt bài “Bài học xây dựng tỉnh NTM ở Nam Định”, chúng tôi nhận thấy đây là những kinh nghiệm quý, bài học hay có thể vận dụng vào thực tiễn của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Văn Chấn là huyện vùng núi thuộc tỉnh Yên Bái, người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Nùng… đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Khi triển khai thực kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện ủy, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện sát với đặc thù và tình hình thực tế. Tuy vậy, kết quả đạt được còn hạn chế. Đến nay, toàn huyện mới có 9/28 xã đạt chuẩn NTM. Từ kinh nghiệm của Nam Định, chúng tôi tâm đắc nhất là chủ trương “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” và địa phương này đã huy động được sức dân, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM. Qua đây chúng tôi nhận thấy, không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế mà cần quan tâm xây dựng đời sống văn hóa-tinh thần cho nhân dân.
 |
Những tuyến đường sạch, đẹp là thành quả đạt được của chính quyền và nhân dân xã Hải Hưng (Hải Hậu, Nam Định) sau khi hoàn thành nông thôn mới. Ảnh: DUY HƯNG. |
Với đặc thù của huyện vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chúng tôi cần chú ý đến việc bảo tồn, phát huy những truyền thống văn hóa như trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, các loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí của đồng bào các dân tộc.
ĐÀO DUY TUẤN (ghi)
------------------
Ông Đào Văn Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Thới Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang:
Bài học hay từ huy động sức dân
Chúng tôi hiểu rằng, quá trình xây dựng NTM, người dân đóng vai trò quan trọng, còn Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần kinh phí chứ không phải làm thay cho nông dân. Đó là kinh nghiệm được Báo Quân đội nhân dân nêu trong vệt bài “Bài học xây dựng tỉnh NTM ở Nam Định”. Theo đó, trong xây dựng NTM, cái hay của Nam Định là phát huy được vai trò của người dân, lấy dân làm chủ thể, dựa vào sức dân. Không chỉ có "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" mà trong phương châm chỉ đạo, Nam Định bổ sung thêm “dân cần, dân làm và dân hưởng thụ” chính những thành quả đó. Ngoài ra, Nam Định còn thể hiện ở việc vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn.
Bản thân tôi đúc kết được hai vấn đề: Thứ nhất, khi chính quyền địa phương tuyên truyền vận động thấu đáo cho người dân hiểu, họ sẽ nhiệt tình tham gia đóng góp công sức, tiền bạc để thực hiện chương trình này, đây là yếu tố then chốt trong xây dựng NTM. Thứ hai, không thể có công thức chung cho việc xây dựng NTM, mỗi địa phương tùy thuộc vào đặc điểm tình hình kinh tế-xã hội, vùng, miền mà sáng tạo ra những cách làm hay, hiệu quả, thiết thực.
THÚY AN (ghi)
----------------------
Ông Trần Văn Hải, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định:
Người dân được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM
Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, chúng tôi không hiểu phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, thậm chí có không ít người dân còn nghi ngờ chủ trương này; một số người còn phản đối vì lý do phải dồn điền đổi thửa, nhường đất để mở đường. Thế nhưng sau khi địa phương hoàn thành xây dựng NTM, chúng tôi thấy bất ngờ trước những đổi thay của quê hương. Nếu như những năm trước đây, hệ thống đường giao thông trên địa bàn rất yếu, trời nắng thì bụi mù, trời mưa thì lầy lội, người lớn đi làm khó khăn, con trẻ đến trường vất vả thì giờ đây, đường giao thông rộng rãi, sạch sẽ. Dọc hai bên đường, chính quyền địa phương còn vận động người dân trồng hoa, hàng rào bằng cây xanh trước nhà nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp, hình thành những con đường đẹp để tạo dấu ấn cho quê hương.
HUYỀN ANH (ghi)