Được biết, bên cạnh một số địa phương như huyện Bình Sơn đầu tư mua sắm thuyền hiện đại đưa đón người qua lại trên sông Trà Bồng, đoạn qua xóm Đồng Min thì vẫn còn không ít địa phương tình trạng sử dụng thuyền thúng, ghe máy làm phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ vẫn khá phổ biến.

Khách đi đò ngang không mặc áo phao, dòng nước chảy xiết luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Đã thế, những bến đò ngang kiểu này đều hoạt động theo kiểu tự phát với phương tiện thô sơ nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước rất cao, nhất là trong những ngày mưa lũ, nước chảy xiết, đục ngầu nên không thể nhìn thấy chướng ngại vật trôi trên sông. Thực tế đã có nhiều vụ đắm đò ngang xảy ra. Mới đây nhất, khoảng 15 giờ ngày 2-11 xảy ra tai nạn lật đò ngang vượt sông Trà Khúc từ thôn Ân Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) nối với đường Trường Sa. Rất may, 5 người trên đò được người dân địa phương cứu vớt kịp thời nên thoát chết. Anh Nguyễn Nhất, người dân thôn Ân Phú cho biết: “Các phương tiện này hầu hết được trang bị áo phao cứu sinh, nhưng rất ít người mặc vì cho rằng nóng, khó chịu, còn các em học sinh thì sợ bẩn đồng phục. Nguy hiểm hơn, vào giờ cao điểm (sáng sớm và chiều tối) lượng người đi đò ngang khá đông, có thời điểm trên đò chở 20-30 người”.

Miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đang trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa lũ. Để các chuyến đò ngang được an toàn, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện và người đi đò chấp hành đúng các quy định bảo đảm an toàn, như: Chở đúng số người và người đi đò phải mặc áo phao. Với các trường hợp vi phạm thì cần xử lý thật nghiêm để răn đe.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC MINH

(huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)