Trước nguy cơ tiềm ẩn gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và người của cơn bão số 12, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định, toàn thể học sinh trong tỉnh sẽ nghỉ học từ ngày 10-11 cho đến khi hết bão. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu ngành du lịch rà soát các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đảm bảo an toàn cho du khách, đơn vị quản lý cáp treo Vinpearland ngừng hoạt động kể từ 21 giờ ngày 9-11 đến khi bão kết thúc. Các đơn vị quản lý hồ chứa phải tổ chức trực ban 24/24h để theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết.

Người dân ở Nha Trang chằng chống lại nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tôi được biết, ngoài các thông tin dự báo chung, các cơ quan chức năng còn đưa ra các bản tin dự báo cho từng khu vực theo bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Tuy nhiên, việc triển khai các phương án phòng, chống bão lũ chỉ là giải pháp tạm thời. Theo tôi, biện pháp lâu dài là phải tuyên truyền, giáo dục cho học sinh cũng như người dân về ý thức phòng, chống bão lũ thường xuyên hơn chứ không phải để đến khi đổ bộ vào rồi mới có kế hoạch. Người dân trong vùng thường xảy ra bão lũ cần phải được trang bị, tập huấn những kiến thức cơ bản để tự phòng vệ, sống chung với bão lũ. Đặc biệt, đối với các em học sinh thì việc tập huấn bơi lội phải diễn ra thường xuyên để những trường hợp thiệt hại tính mạng do đuối nước không xảy ra. 

NGỌC ANH (Quy Nhơn, Bình Định)