Bạn đọc Nguyễn Trung Hiếu ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết trong thời gian cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể:
a) Người có thẻ bảo hiểm y (BHYT) tế được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT.
b) Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
* Bạn đọc Lê Thu Giang ở phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết việc tạm ứng tiền lương được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 101, Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, cụ thể:
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng. Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
QĐND