Mới đây, trên Quốc lộ 14 đoạn thuộc xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, tôi gặp một người đàn ông đi xe gắn máy, phía sau xe có những chiếc gậy tre dài khoảng 1m có bôi nhựa dính và treo điện thoại. Đến mỗi trụ điện, người này dừng lại cắm cọc tre đã được bôi đầy nhựa dính và bật điện thoại.
Chiếc điện thoại phát ra những tiếng kêu náo loạn của bầy chim sẻ, chỉ khoảng 5 phút sau, cả bầy chim hàng chục con lao tới đậu trên gậy tre và bị keo dính chặt không thể thoát ra được. Ngay lập tức người đàn ông này đi đến bắt những con chim mắc bẫy nhốt vào chiếc lồng cột phía sau xe gắn máy.
Tò mò, tôi lại xem và hỏi chuyện, người bẫy chim cho biết: Loại keo dính sử dụng để bẫy chim được mua tại chợ thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) với giá 14.000 đồng/hộp, thoa lên gậy phải được 15 lần và tiền công thu tiếng chim kêu 10.000 đồng nữa, tổng cộng là 24.000 đồng. Song có thể sử dụng bẫy được khoảng 100 chim sẻ. Mỗi con đổ mối có giá 4.000 đồng, bán cho dân ăn nhậu thì 5.000 đồng, cũng thu được 400.000 đến 500.000 đồng/ngày. Trước đây, khi số người tham gia bẫy chim sẻ ít thì mỗi ngày anh này cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng.
Việc dùng keo dính bắt chim sẻ không chỉ tận diệt loài chim này mà còn gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và tàn phá môi trường sinh thái. Theo các nhà khoa học, mỗi con chim sẻ bắt sâu bọ và ăn từ 300 đến 400 hạt cỏ dại/ngày nên rất có ích cho ngành nông nghiệp. Đề nghị chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước nói riêng, cả nước nói chung cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tự giác bảo vệ loài chim sẻ.
ĐỖ THỊ LƯƠNG (huyện Cư Jút, tỉnh Đắc Nông)