Điều 138 khoản 1 BLHS năm 2009 quy định:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 173 khoản 1 BLHS năm 2015 quy định:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính  về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

 Ngoài tình tiết làm căn cứ định tội  ở các điểm  a, b , c và d  nêu trên, những điểm này còn được sử dụng làm yếu tố để định khung tăng nặng, ví dụ: khoản 2 Điều 173 quy định:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp;

e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này…;

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

 Xét thấy, việc sử dụng tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” làm yếu tố để định tội là chuẩn xác được áp dụng đối với người “tái phạm” vi phạm, hành chính (vì nếu không  bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó thì lần vi phạm này cũng chỉ ở mức độ xử phạt hành chính). Việc “Hình sự hóa” vi phạm hành chính nhưng cũng chỉ  áp dụng đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng nhằm xử lý những người có tính “thích cầm nhầm, trộm cắp vặt” với mục đích  giáo dục, răn  đe là chính. Qua nhiều năm thực hiện, quy định này được thực tiễn chấp nhận, đến nay không có ý kiến nào đề nghị thay đổi, nhưng  theo quy định của BLHS năm 2015 tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”  được “nâng cấp” ở một số tội coi đó là yếu tố để định khung tăng nặng. Với quy định như vậy chúng tôi thấy có phần nghiêm khắc, gây bất lợi cho người phạm tội, không đảm bảo tính thống nhất, công bằng ở những điểm sau:

1/ Trong một số trường hợp ở các tội: “Xâm phạm sở hữu” chúng ta đã đồng nhất khái niệm “Vi phạm hành chính” với “Tội phạm của BLHS”.

2/Mặc dù không phải tất cả các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đều được sử dụng là tình tiết định khung, nhưng tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” không  được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 BLHS năm 2009, hay Điều 53 BLHS năm 2015.

  3/ Tuy không có hướng dẫn nhưng các tình tiết định khung tăng nặng quy định ở một số tội Xâm phạm sở hữu như các trường hợp: “Tái phạm nguy hiểm”, chiếm đoạt hàng cứu trợ, phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì  mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều so với tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Sẽ không công bằng nếu gặp trường hợp như ví dụ sau đây: Nguyễn Văn A  tháng 1-2016 có hành vi trộm cắp 3 con gà trọng lương 4 kg, trị giá 500.000 đồng, bị Chủ tịch UBND xã  áp dụng điểm a, Điều 15 Nghị định 167/2013-CP ngày 12-11-2013 phạt 1.000.000 đồng. Tháng 10-2016, A phá két nhà chị B trộm cắp 100.000.000 đồng. Theo quy định tại điểm b khoản 3 thì A bị áp dụng, có khung hình phạt từ từ 7 năm đến 15 năm. Nếu A trộm cắp tài sản trị giá 200.000.000 đồng thì lần phạm tội này phải áp dụng điểm b khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015 thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.

Trần Văn C, tháng 10-2012 bị phạt 1 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Tháng 9-2013 chấp hành xong hình phạt, tháng 7-2014 phạm tội trộm cắp, Tòa án xác định là  “tái phạm” bị phạt 2 năm tù. Tháng 6-2015 ra trại, đến tháng 10-2016, C cũng có hành vi trộm cắp trị giá tài sản 180.000.000 đồng. Mặc dù trị giá tài sản chiếm đoạt nhiều hơn, “chiến tích” oanh liệt hơn Nguyễn Văn A nhưng Trần Văn C cũng chỉ bị áp dụng khung hình phạt  từ 7 năm đến 15 năm. (Bằng Nguyễn Văn A nếu trộm cắp 100.000.000 đồng).

Như vậy với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND  cấp xã tuy chỉ là “tiền sự  nhưng nó có “ sức nặng” về hậu quả pháp lý bằng thậm chí còn hơn bản án hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng.

Với những điều bất cập trên chúng tôi kiến nghị nên bỏ tình tiết đã bị “xử phạt  vi phạm hành chính”  làm yếu tố định khung tăng nặng quy định tại các Điều 172, 173, 174, 175, và  178 BLHS năm 2015.

Luật sư NGUYỄN THÀNH MINH

   Công sự Văn phòng luật sư Bùi Lan – Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang