Trước bức xúc của dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có những hướng dẫn về các khoản thu-chi đầu năm học để tuyên truyền tới phụ huynh, ngăn chặn tình trạng lạm thu. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường được phép thu các khoản sau: Tiền dạy học thêm trong quy định, được thu hộ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, được thu những khoản tiền sau nếu có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh: Tiền ăn bán trú được thu hàng tháng, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền mua học phẩm với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Trần Tú Khánh, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định rõ: Ban cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ để chi cho việc quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Thế nhưng, nhiều năm nay, việc huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ. Thực tế là có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy-học cho các con. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về tài chính. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

Được biết ngay giữa tháng 8, một số trường đã tổ chức cho học sinh học chính thức, nhưng đại đa số các trường vẫn đang làm công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường. Chính vì vậy, các sở GD-ĐT sớm ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu hiệu trưởng các trường thực hiện thu đúng theo quy định của Nhà nước, của ngành, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm thu. Nơi nào không thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, lạm thu gây bức xúc, khiếu nại trong phụ huynh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

ĐỖ TẤN NGỌC

(Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-Sơn Tịnh-Quảng Ngãi)