leftcenterrightdel
Rác thải chắn lối đi dành cho người đi bộ, đi xe đạp ở đường Láng, TP Hà Nội. 

Làn đường ven sông Tô Lịch được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2019 dành riêng cho người đi bộ. Từ đầu năm 2024, đường được tu sửa để phục vụ thêm làn đường xe đạp với kỳ vọng giảm ùn tắc và thu hút người dân đến tập thể dục, đi dạo. Nằm song song với đường Láng, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp lại vắng người qua lại, đối lập hẳn với cảnh đông đúc, phương tiện nhích từng mét trên đường Láng, nhất là vào giờ cao điểm.

Ông Phạm Hoàng Hà ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho biết: “Nguyên nhân khiến con đường này không phát huy tác dụng theo mục đích ban đầu khi cải tạo là do lối ra vào không thuận tiện cho xe đạp, hệ thống rào chắn ngăn xe máy đi vào đã gây khó khăn cho người đi xe đạp, đặc biệt là trẻ em và người già. Buổi tối là thời gian đạp xe thư giãn nhưng hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường này chưa đủ đáp ứng nhu cầu bảo đảm an toàn giao thông”.

Theo các chuyên gia, xe đạp hiện vẫn chủ yếu được sử dụng cho mục đích rèn luyện sức khỏe. Vì vậy, để thu hút người sử dụng xe đạp thì cơ chế quản lý và vị trí xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp cần phải tính toán thêm yếu tố môi trường, sức khỏe. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho biết: “Các tuyến đường dành riêng cho người đi bộ và xe đạp hiện nay còn quá ít tiện ích dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, bổ sung các tiện ích như điểm đỗ xe, máy bán nước tự động, trang trí cảnh quan... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần quyết liệt ngăn chặn, xử phạt đối với các trường hợp đỗ xe tràn lan, tập kết rác bừa bãi trên các làn đường tiện ích này”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.