Còn những lỗ hổng
Đã có những trường hợp việc chỉ định thầu diễn ra dù không rơi vào các trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013. Ví dụ: Một số địa phương, đơn vị thường trình xin Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc biệt để được giao thầu thực hiện dự án cấp bách theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 hoặc đề xuất xin áp dụng theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, để tránh phải đấu thầu. Bên cạnh đó, các trường hợp khi xin “cơ chế riêng” thì cố chứng minh rằng dự án hết sức cấp bách nhưng sau đó lại ì ạch triển khai. Một số trường hợp khác thì xin được áp dụng cơ chế đặc biệt với lý do cấp bách và không ít trường hợp sau khi được Thủ tướng cho phép áp dụng “cơ chế đặc biệt” thì lại quay về vận dụng quy trình tương tự như chỉ định thầu để triển khai dự án.
 |
Dự án xây dựng đường vành đai 2.5 của TP Hà Nội được triển khai theo hình thức hợp đồng BT. Ảnh: VĂN THI. |
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 9 và Mục 1, Mục 2 Chương V NĐ 25/2020/NĐ-CP: Chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;
b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn;
c) Nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ.
Nhưng thực tế, không phải dự án PPP, BOT, BT nào cũng đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và không phải quá trình công bố mời thầu nào cũng diễn ra công khai, minh bạch, đúng quy trình và thủ tục, nên khi chỉ có một nhà đầu tư duy nhất tham gia sơ tuyển đấu thầu, cũng chính là nhà đầu tư đề xuất dự án thì sẽ dẫn đến chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.
Điểm e Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 nêu rõ: “Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ” được hướng dẫn bởi Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu như sau: "1.Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; 2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên".
Quy định này đã dẫn đến hiện tượng xé nhỏ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để lạm dụng chỉ định thầu, trúng thầu.
Giải pháp khắc phục những bất cập
Thứ nhất, đối với những người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì yêu cầu tiên quyết là phải căn cứ, xem xét kỹ lưỡng các quy định của Luật Đấu thầu về trường hợp áp dụng chỉ định thầu, điều kiện áp dụng chỉ định thầu, quy trình chỉ định thầu… xem xét kỹ lưỡng để đưa ra các quyết định của mình. Bởi lẽ, chính người có thẩm quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần tăng cường tính công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và các cơ quan thông tin báo chí có thể tham gia theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện và phản ánh các khuất tất, gian dối. Tăng cường việc hậu kiểm trong công tác đấu thầu. Kiểm tra, thanh tra hằng năm, thường xuyên để phát hiện những vi phạm, sai sót về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trái quy định.
Thứ ba, cần có những quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng đối với những dự án BT, BOT, đặc biệt đối với những dự án về cơ sở hạ tầng. Cụ thể: Về quá trình lựa chọn nhà thầu, trình tự, thủ tục chỉ định thầu, các điều kiện nhà đầu tư, nhà thầu phải đáp ứng (năng lực, kinh nghiệm, vốn…) và xử lý các sai phạm của nhà đầu tư, nhà thầu.
Thứ tư, cần phải giảm bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết trong quy trình đấu thầu, triển khai thực hiện luật nghiêm túc, không để những kẽ hở trong Luật Đấu thầu bị lợi dụng. Đưa ra những quy định rõ hơn thế nào là gói thầu thuộc dự án cấp bách, vì lợi ích dự án quốc gia; đặc biệt, cần giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước. Trong những trường hợp đặc biệt áp dụng hình thức chỉ định thầu cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến bộ ngành quản lý.
Thứ năm, không quy định về hạn mức chỉ định thầu, tránh tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu, giao Chính phủ quy định về hạn mức chỉ định thầu theo từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính ổn định của luật và cân nhắc chỉ chỉ định thầu áp dụng với các gói thầu nhỏ...
Luật sư LÊ VĂN LÊN (Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)