Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến nhằm làm rõ hơn những vấn đề được đề cập trong loạt bài, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp góp phần củng cố, xây dựng "thế trận lòng dân" trên địa bàn Tây Nguyên ngày càng vững chắc.
Trung tướng THÁI ĐẠI NGỌC, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5:
Công tác dân vận góp phần tạo sự lan tỏa từ quân ra dân
Tôi đánh giá cao loạt bài “Xây “thế trận lòng dân” trong đồng bào DTTS Tây Nguyên” đăng trên Báo Quân đội nhân dân trong những ngày vừa qua. Loạt bài đã đánh giá đúng tình hình thực tiễn công tác xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là nêu rõ bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận hiện nay.
Theo tôi, trong tình hình hiện nay, nếu cán bộ quan liêu, xa dân, không dựa vào nhân dân, không làm tốt công tác dân vận thì sẽ mất dân, không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp khi ban hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống của nhân dân, nhất là đối với đồng bào DTTS thì phải hướng đến giải quyết thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân; phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; phải loại bỏ các yếu tố “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”; phải tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đúng như loạt bài đã nêu, một trong những nguyên nhân dẫn đến biểu hiện xa dân cũng một phần do xem nhẹ công tác dân vận. Rút kinh nghiệm từ bài học sâu sắc đó, những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 đã triển khai, thực hiện tốt công tác dân vận; tham gia giúp đỡ nhân dân trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa với nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và giữ vững tình hình an ninh chính trị địa bàn. Có thể nói, công tác dân vận góp phần tạo sự lan tỏa từ quân ra dân, thực hiện thành công mục tiêu “an dân, nắm dân, giành và giữ dân”. Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu đã có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, phù hợp, trong đó nổi bật là các chủ trương: Tham gia “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, xây dựng “Hũ gạo vì người nghèo”, xây dựng các mô hình điểm về “Xây dựng nông thôn mới” được các cơ quan, đơn vị triển khai đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn trọng điểm, chiến lược miền Trung-Tây Nguyên...
-----------------
Đồng chí LÊ THÁI DŨNG, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc:
Quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào
Như chúng ta đã biết, Tây Nguyên đất đai màu mỡ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn, sự đầu tư của Trung ương như các nguồn lực về ngân sách, tài chính để phục vụ quá trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội còn dàn trải, phân tán, hiệu quả không cao. Hệ thống chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS Tây Nguyên chưa đồng bộ; cơ chế thực thi chính sách còn thiếu đổi mới mang tính đột phá... Những hạn chế nêu trên khiến công cuộc xóa đói, giảm nghèo chưa đạt như mong muốn, thiếu bền vững.
Trong giai đoạn hiện nay, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên bên cạnh việc phát huy hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, cần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực từ nhiều vùng khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế-xã hội phải đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc vùng đồng bào DTTS. Mặt khác, Nhà nước phải giữ vai trò quan trọng trong việc đầu tư nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, để các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, góp phần thiết thực giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp và làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương mình.
---------------------
Đại tá NGUYỄN VĂN SƠN, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 21 (Binh đoàn 15):
Ưu tiên đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số
Hiện nay, tỷ lệ nhân lực được đào tạo nghề trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn thấp, một bộ phận thanh niên chưa chú trọng đến việc học tập, tạo lập nghề nghiệp, công việc ổn định. Nhiều người chọn con đường lao động với “ba không” (không hợp đồng, không đóng bảo hiểm, không qua đào tạo). Trước thực trạng này, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ở vùng nông thôn, vùng DTTS. Trường Cao đẳng nghề số 21 là một trong những cơ sở đào tạo nghề có uy tín ở Tây Nguyên, góp phần tạo sinh kế, việc làm ổn định cho hàng nghìn thanh niên DTTS để "an dân, yên dân” như loạt bài “Xây “thế trận lòng dân” trong đồng bào DTTS Tây Nguyên” đã đề cập.
 |
Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, tuyển sinh, đào tạo, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng nghề số 21 không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp, việc làm cho các đối tượng. Đối với thanh niên là con em đồng bào DTTS, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh. Với phương châm “mọi lúc, mọi nơi”, nhà trường đã tổ chức các đoàn tư vấn chuyên trách về tận các thôn, buôn, làng, bản, phối hợp với già làng, trưởng thôn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ để tuyên truyền, phổ biến các ngành, nghề nhà trường đang đào tạo, các chế độ, chính sách đối với người học, cơ hội việc làm...
-------------------
Đại tá, cựu chiến binh ĐẶNG QUANG QUÝ, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng):
Xa dân là mất tất cả
Sau khi đọc loạt 3 bài "Xây “thế trận lòng dân” trong đồng bào DTTS Tây Nguyên”, tôi thấy các bài viết nêu rõ những hạn chế trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS. Chính vì một bộ phận cán bộ có biểu hiện xa dân, nên khi có tình huống xảy ra, nhiều cán bộ ở các cấp gặp không ít lúng túng trong xử lý. Thực tế này cho thấy, người cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải thấm nhuần bài học “lấy dân làm gốc”, xa dân là mất tất cả.
Theo tôi, muốn nâng tầm đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay thì tự thân người cán bộ phải không ngừng rèn luyện, trau dồi trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng. Chính biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, tác phong xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ vô hình trung tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền kích động, gây chia rẽ mối đoàn kết giữa người Kinh và người DTTS ở Tây Nguyên; giữa đồng bào DTTS với cán bộ và chính quyền...
Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các tỉnh vùng Tây Nguyên cần thường xuyên phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng; tăng cường đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
----------------
NGUYỄN ĐÌNH VIÊN, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc:
Giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, nhờ thực hiện các chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào DTTS Tây Nguyên đã có nhiều đổi thay tích cực về mọi mặt. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu đất ở và đất sản xuất. Chính vì một bộ phận đồng bào còn thiếu đất ở và đất sản xuất đã dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, như tranh chấp đất đai, phá rừng, khiếu kiện đông người. Tranh chấp đất đai còn là nguyên cớ để các thế lực thù địch phản động lợi dụng nhằm xuyên tạc, kích động, chống phá, gây mất an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên phải làm tốt hơn nữa công tác giải quyết đất sản xuất, tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS tại chỗ, nhất là hộ nghèo, hộ thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất và lao động không có việc làm.
Các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Vì bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, hạn chế sạt lở và xói mòn đất. Bảo vệ rừng chính là bảo tồn không gian cho các hoạt động văn hóa truyền thống. Mặt khác, các địa phương cần tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng “gần dân, sát dân, lo cho dân”.
--------------------
Đồng chí SIU THIL, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ (Gia Lai)
Đồng bào tin những cán bộ gần dân, hiểu dân và trọng dân
Đúng như loạt bài “Xây “thế trận lòng dân” trong đồng bào DTTS Tây Nguyên” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã đề cập, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không tin “cán bộ trên cây”, mà chỉ tin những cán bộ, đảng viên gần dân, hiểu dân và trọng dân. Cán bộ đến với dân là phải miệng nói tay làm và bằng những công việc cụ thể, thiết thực cốt sao để đồng bào “sáng cái đầu, ưng cái bụng”. Đặc biệt, đồng bào thường tin và làm theo những người có uy tín, những tấm gương mà họ nể phục, nên mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng cho đồng bào noi theo.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã có những chủ trương, cách làm sáng tạo làm thay đổi diện mạo vùng DTTS. Trong đó, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, huy động cả hệ thống chính trị, các đơn vị quân đội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để làm thay đổi nhận thức, tư duy của đồng bào; yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện “bốn cùng, ba trực tiếp” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; trực tiếp đến tận nhà dân, trực tiếp nghe dân nói và nói cho dân nghe, trực tiếp làm để dân tin). Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, xây dựng đời sống văn hóa để thu hút, hướng dẫn và hỗ trợ đồng bào làm theo từ dễ đến khó, từng bước tạo ra kết quả để lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp để gần dân, hiểu dân và trọng dân.