Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà Grab mang lại cho xã hội nói chung và sự phát triển của ngành vận tải nói riêng, đặc biệt là tạo sự cạnh tranh để người tiêu dùng được lựa chọn. Thế nhưng, theo Bộ Giao thông vận tải, doanh nghiệp cung cấp phần mềm là đơn vị chỉ nghiên cứu ra phần mềm để bán, chuyển giao hoặc cho thuê. Còn Grab trực tiếp tham gia và quyết định tất cả những khâu quan trọng nhất của kinh doanh vận tải (tuyển dụng và sa thải tài xế, điều hành xe, quyết định giá cước, mức khuyến mãi, thu tiền, phân chia lợi nhuận...) thì đó là hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải. Ở nước ngoài, khi Uber (tương tự như Grab) hoạt động ở Châu Âu cũng đã gây tranh cãi, kiện tụng, nhưng tháng 12-2017, Tòa án Công lý Châu Âu đã phán quyết rõ ràng: Hoạt động của Uber chính là kinh doanh vận tải chứ không phải đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm.
Grab cho rằng ô tô chở khách của Grab là xe hợp đồng điện tử chứ không phải taxi. Nhưng đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, thì hoạt động của Grab Car chính là hoạt động taxi. Nếu coi Grab Car là xe hợp đồng điện tử sẽ rất vô lý, vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục, chứ không phải bản chất của loại hình vận tải. Thực tế người dân cả nước, Bộ Tư pháp và Tổ công tác của Thủ tướng khi thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86, đều khẳng định thực chất Grab Car là taxi công nghệ. Nếu coi xe ô tô chở khách hoạt động kiểu Grab là xe hợp đồng điện tử, thì chắc chắn sắp tới Việt Nam sẽ là nước duy nhất trên thế giới không còn taxi nữa, do các đơn vị taxi đều đã và đang ứng dụng phần mềm gọi xe như Grab.
Chuyện Grab có phải là đơn vị kinh doanh vận tải taxi hay không, là vấn đề gây tranh luận rất gay gắt, đã kéo dài nhiều năm, song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến dư luận bức xúc. Thiết nghĩ, đã đến lúc Chính phủ cần tổ chức đối thoại trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp vận tải, các chuyên gia về giao thông vận tải và lãnh đạo các bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ đúng-sai để bảo đảm sự khách quan, minh bạch. Đồng thời, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến để có giải pháp quản lý phù hợp với loại hình vận tải ứng dụng phần mềm công nghệ, vừa tạo sự thông thoáng, khuyến khích phát triển, vừa bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật.
NGUYỄN CÔNG HÙNG
(Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam)