Từ nhiều đời nay, người dân làng Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè) thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa luôn tự hào về nghề đúc đồng truyền thống của quê hương.
Mặc dù các thế hệ người dân trong làng đã bỏ rất nhiều công sức ra giữ gìn và phát huy nghề đúc đồng truyền thống, nhưng cũng như các làng nghề truyền thống khác trong cả nước, làng nghề đúc đồng Trà Đông đang phải đối mặt với thực trạng bị thu hẹp về quy mô và số lượng.
Nguyên nhân là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thiếu nhân lực có tay nghề cao và chưa có điều kiện để áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Ngoài ra, họ còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, không ít nghệ nhân đã không còn mặn mà với nghề truyền thống. Không thể để nét đẹp truyền thống của quê hương bị lãng quên, một số nghệ nhân tâm huyết với nghề trong làng đã họp bàn và chung tay, góp sức khôi phục lại nghề truyền thống. Hiện nay, những sản phẩm do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng làm ra, như: Chiêng, trống đồng, tượng đồng, đồ thờ, lư hương con giống… đã từng bước chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt hơn là các nghệ nhân nơi đây còn khôi phục được nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết, kiểu dáng tinh xảo, phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại. Những sản phẩm này đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và có không ít mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài.
Được biết, hiện nay các nghệ nhân tâm huyết với nghề trong làng đã họp bàn và chung tay, góp sức khôi phục lại nghề truyền thống của quê hương. Trước tiên, họ tập trung giữ nghề, đào tạo, truyền nghề cho lớp trẻ và tìm thị trường cho sản phẩm của làng. Những cố gắng này rất đáng trân trọng, nhưng vẫn chưa đủ để giữ nghề. Chính vì vậy, họ rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực để nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông ngày càng phát triển.
TRỊNH ĐỨC MỘC (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa)