Thảm cảnh mất mát do bị sạt lở vùi lấp gây tang thương gần đây ở một số địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá.
Thực tế, Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam” đã được phê duyệt từ năm 2012 để triển khai thực hiện ở các khu vực miền núi của 37 tỉnh, chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đến nay, Đề án đã thực hiện điều tra, thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở ở 25/37 tỉnh (cho đến Quảng Ngãi), thành lập các bản đồ trung gian và bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở ở 15/37 tỉnh, tất cả đều ở tỉ lệ 1:50.000.
 |
Bản đồ cảnh báo thiên tai giúp người dân ở những vùng có nguy cơ trượt lở, sơ tán tức thì đến nơi an toàn hơn, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ảnh minh họa: qdnd.vn. |
Rõ ràng, với bản đồ này, chúng ta có thể cảnh báo cho người dân ở những vùng có nguy cơ trượt lở, sơ tán tức thì khi có thiên tai đến nơi an toàn hơn và các địa phương có thể có phương án để di dời, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn khi có trượt lở xảy ra. Về dài hạn, bản đồ này, nhất là bản đồ phân vùng cảnh báo, giúp các địa phương có thể tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí lại dân cư ở vùng trượt lở.
Ý nghĩa lớn như vậy song tính đến nay, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở mới chỉ đến được với 15 tỉnh miền núi Việt Nam. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ của đề án là rất quan trọng. Đồng thời, đề án cần cập nhật thông tin về hiện trạng trượt lở từ địa phương, đưa ra những nhận định về diễn biến tình hình trượt lở của địa phương trong thời gian tới.
Cùng với đó, ở góc độ khác, theo tôi, thông tin về thời tiết, cảnh báo về nguy cơ thiên tai cần được phổ biến rộng rãi nhất và nhanh nhất có thể, nhất là với những địa phương có nguy cơ cao để chính quyền địa phương và người dân kịp thời có biện pháp ứng phó, phòng tránh. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho nhân dân về nguy cơ, tác hại của trượt lở đất đá, lũ quét, lũ ống cũng như những kỹ năng phòng tránh, khắc phục hậu quả cơ bản. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xây dựng các công trình công cộng có tính lưỡng dụng ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, để vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh và phòng, chống thiên tai. Có như vậy, mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản mỗi khi có thiên tai, bão lũ!
NGỌC MỸ (Nam Đông, Thừa Thiên – Huế)