Nhờ khéo tay, chịu khó, anh có thể thiết kế hoa văn, đo đạc, tính toán vật tư, tổ chức thi công... để hoàn chỉnh những công trình như: Hàng rào, nhà khung sắt... khá nhanh, đẹp. Không những vậy, Thiếu tá Trần Văn Tuấn còn tranh thủ thời gian truyền thụ kinh nghiệm, dạy nghề cho các chiến sĩ yêu thích nghề này, góp phần định hướng nghề nghiệp cho bộ đội sau khi xuất ngũ.
Trước khi nhập ngũ, Binh nhất Phan Huỳnh Thiện, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội Tiêu tẩy khói học ngành công nghệ ô tô. Khi biết Thiếu tá Trần Văn Tuấn là một "thợ" lành nghề, Thiện đã xin theo học. Từ tháng 6-2020 đến trước khi xuất ngũ vào giữa tháng 1-2022, ngoài thực hiện nhiệm vụ được giao, Thiện tranh thủ học nghề với mong muốn sau khi xuất ngũ có thể mở cơ sở hàn, làm cửa sắt tại địa phương.
 |
Thiếu tá Trần Văn Tuấn tận tình hướng dẫn chiến sĩ học nghề. |
“Mấy ngày đầu, ánh sáng chói từ mỏ hàn rất khó chịu, nhưng dần dần tôi cũng quen việc. Nhờ anh Tuấn hướng dẫn tỉ mỉ cách đo, cắt, xác định loại vật tư để hoàn thiện công trình, đến nay tôi đã có thể tự mình làm được hàng rào, khung cửa, mái nhà, hệ thống giàn, kệ sắt... Khi xuất ngũ, tôi sẽ học thêm để nâng cao tay nghề”, Binh nhất Phan Huỳnh Thiện chia sẻ.
Cũng tương tự Binh nhất Phan Huỳnh Thiện, nhờ đam mê, chịu khó nên Binh nhất Ngô Minh Hiếu, chiến sĩ Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội Tiêu tẩy khói tiếp cận nhanh với công việc. Ngô Minh Hiếu cho biết: “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của Thiếu tá Trần Văn Tuấn, hiện tại tôi có thể hàn được mối hàn bảo đảm độ dính, đẹp, có thể nhanh chóng nhận biết kích thước của các loại sắt mà không cần đo... Tôi dự định sẽ mở một cơ sở cơ khí tại nhà sau khi xuất ngũ”.
Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm Thiếu tá Trần Văn Tuấn kèm cặp, hướng dẫn từ 2 đến 3 chiến sĩ thành thạo nghề hàn, có việc làm ổn định khi xuất ngũ. Đặc biệt, có đồng chí sau khi về địa phương, do giỏi nghề hàn nên đã được tuyển chọn sang lao động tại Nhật Bản với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng.
Thiếu tá Trần Văn Tuấn cho biết: “Nghề hàn tuy vất vả nhưng nếu chịu khó sẽ cho thu nhập ổn định. Mỗi đợt chiến sĩ mới về đơn vị, tôi tìm hiểu nguyện vọng của anh em, nếu đồng chí nào yêu thích nghề này, tôi sẽ tận tình hướng dẫn. Việc dạy nghề cho bộ đội vừa phục vụ nhiệm vụ của đơn vị, vừa giúp bộ đội giải quyết việc làm khi xuất ngũ”.
Với tinh thần ham học hỏi và sự nhanh nhạy, tranh thủ thời gian, Thiếu tá Trần Văn Tuấn tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhiều mẫu công trình cơ khí mới. Nhờ vậy, hệ thống vườn rau sạch, giàn, mái che, vườn lan, hàng rào, kệ, giá quần áo... của đơn vị đều do công sức của anh và các chiến sĩ trong đơn vị thiết kế.
“Thiếu tá Trần Văn Tuấn và các chiến sĩ theo học nghề hàn còn tích cực hỗ trợ cán bộ, nhân viên của đơn vị trong quá trình làm nhà. Nhờ thiết kế hợp lý, tư vấn mua vật tư phù hợp... anh Tuấn và các chiến sĩ đã góp phần giúp bộ đội giảm chi phí, xây dựng công trình bền, đẹp”, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên Tiểu đoàn Phòng hóa cho biết.
Bài và ảnh: HỮU TÀI