Việc tặng quà con trẻ vì vậy cũng đã tạo ra nhiều hệ lụy đáng phải suy nghĩ. Còn nhớ dịp Tết Mậu Tuất 2018, sau nhiều năm đi làm ăn xa, tôi trở về thăm quê. Chiều Mồng Hai Tết, tôi rủ một vài người bạn thân ghé thăm nhà các bạn học để chúc Tết. Trong khi chúng tôi đang cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu thì con trai chủ nhà đi chơi về, tôi rút ví lấy ra tờ 50.000 đồng mừng tuổi cháu. Cầm tiền mừng tuổi rồi ngay lập tức cậu bé trả lại tôi và bảo: "Cháu thích tờ tiền màu xanh kia". Quá bất ngờ nên chúng tôi lúng túng chưa biết xử trí thế nào cho phải, thì vợ bạn tôi lên tiếng: “Bác ở Hà Nội lâu lắm mới về thăm quê nên mừng tuổi cho cháu 500.000 đồng cũng được mà”. Tôi lấy 500.000 đồng mừng tuổi cho cháu bé, nhưng trong lòng không vui vì cách hành xử của vợ người bạn.

Khi còn bé, tôi cũng được người lớn mừng tuổi, nhưng ngày ấy chỉ là bánh kẹo, áo quần, đồ chơi hay một chút tiền gọi là lấy may. Thế nhưng, hơn chục năm trở lại đây mọi người mừng tuổi chủ yếu là tiền mặt. Điều đáng suy nghĩ là không ít trường hợp người ta “biến” tiền mừng tuổi con trẻ thành quà tặng cho bố mẹ của chúng nhằm mục đích khác, trong đó không loại trừ có cả những trường hợp hối lộ vì mưu đồ, lợi ích của người lớn.

Chúng ta đều biết, việc tặng quà mừng tuổi cho con trẻ bắt nguồn từ tình yêu thương, quan tâm của người lớn. Con trẻ vốn ngây thơ, ít khi phân biệt giá trị các mối quan hệ xã hội phức tạp. Thế nhưng việc tiếp xúc với tiền bạc quá sớm qua việc mừng tuổi, đã làm thay đổi suy nghĩ của con trẻ. Đầu tiên là sự phân biệt giá trị món quà mừng tuổi và coi đó như cơ sở để đánh giá tình cảm của người lớn dành cho chúng. Nguy hại hơn không ít con trẻ sử dụng tiền mừng tuổi chơi game online, mua các đồ ăn vặt, tạo thành những thói quen không tốt.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, những người làm cha, làm mẹ hãy dạy con trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tiền mừng tuổi, khi nhận tiền mừng tuổi phải biết cảm ơn và sử dụng những đồng tiền này một cách hợp lý. Làm được điều này, những món quà mừng tuổi mới thật sự có ý nghĩa.

TRANG TUỆ