Để hạn chế tình trạng trên, các bậc cha mẹ phải thường xuyên quan tâm để ý đến con nhỏ khi tham gia vui chơi ở những nơi đông người. Trong đời sống thường ngày, cha mẹ cũng nên thông qua các tình huống giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc. Phụ huynh nên dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ để liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp. Đối với nhà trường, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, phải chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh. Tùy vào từng lứa tuổi để đưa ra các bài học giúp học sinh tự bảo vệ mình trong hoàn cảnh bị dụ dỗ, bắt cóc. Người dân khi phát hiện ra dấu hiệu khả nghi về việc bắt cóc trẻ em cần phối hợp với cộng đồng hoặc các cơ quan chức năng để tìm hiểu và ngăn chặn.

Trẻ em như búp trên cành, là mầm non tương lai của đất nước, là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Phòng, chống nạn bắt cóc trẻ em là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến trẻ em hơn nữa, xây dựng những chế tài đủ mạnh để bảo vệ trẻ em và xử lý những đối tượng có hành vi xâm hại đến tinh thần và thể xác của trẻ em, có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả tình trạng bắt cóc trẻ em.

ĐĂNG KHOA