Ngày 8-2-1968, trong đội hình của Đại đội 7, Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 280 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân), ông tham gia chiến đấu và bị thương, gãy cánh tay trái. Hiện nay, tay trái của ông Nghi vận động hạn chế, các vết thương để lại sẹo tại cung mày mắt phải kích thước 1x1cm, bụng dưới sẹo kích thước 10x3cm, đầu gối phải sẹo 2x1cm và 1x1cm, đùi phải bị bỏng còn sẹo 12x5cm. Ông Phạm Văn Nghi cho biết: “Sau khi bị thương, tôi được cấp giấy chứng nhận bị thương nhưng trong một lần chiến đấu tiếp theo, ba lô, quân tư trang bị thất lạc nên giấy chứng nhận bị thương không còn, sau đó tôi cũng chưa được đi giám định thương tật và hưởng chế độ. Nay tôi muốn được đề nghị giải quyết chế độ thương binh nhưng không biết bắt đầu từ đâu?".

Chăm sóc thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh minh họa: TTXVN. 

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 6, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, căn cứ để cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu bao gồm: “Giấy tờ có ghi sức ép hoặc chấn thương; danh sách quân nhân bị thương (hoặc người bị thương) của cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng khi bị thương có ghi tên cá nhân bị thương”.

Đối chiếu với quy định trên, ông Phạm Văn Nghi cần liên hệ với đơn vị khi bị thương để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đến ban CHQS cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

HÀ PHƯƠNG