Sinh ra tại Cao Bằng, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, Nguyễn Trung Hải lớn lên cùng ký ức hào hùng của ông nội, người từng tham gia chống Nhật, Pháp ở Cao Bằng-Lạng Sơn và cha là cán bộ công an từng chiến đấu ở mặt trận biên giới năm 1979. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2003, Hải tình nguyện nhập ngũ, mang theo khát vọng được cống hiến.
7 năm sau, anh được phân công công tác tại Ban CHQS huyện Cư M'gar, nơi hành trình thiện nguyện của anh bắt đầu. Dịp Tết năm 2014, trong một lần về buôn Mông (xã Ea Kiết) trao quà, anh biết đến câu chuyện thương tâm của 5 chị em Sùng Thị Dinh, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ sau một vụ tự tử đau lòng. Các em sống trong căn nhà chưa đầy 10m², nền đất lạnh, không điện, nước, không người chăm sóc. Hải vẫn nhớ như in khoảnh khắc em trai Sùng A Pá, mới 11 tuổi, lên cơn sốt rét trong lúc làm nương. Dinh phải chạy bộ gần 10km để cầu cứu.
Người chú đưa em đến bệnh viện, nhưng rồi bỏ lại vì không có tiền. Hình ảnh hai chị em lấm lem ngồi chờ ngoài hành lang khiến anh nghẹn lòng. Anh ghi lại câu chuyện, gửi đến Báo Tiền Phong. Sau bài báo, Thiếu tướng Lê Đức Thọ, khi ấy là Tư lệnh Binh đoàn 16 đã quyết định bảo trợ các em, đưa về nuôi dạy tại làng Giang Châu (Tuy Đức, Đắk Nông). Một căn nhà khang trang được xây tặng, các em có chốn ăn học, có người chăm lo. Nhìn những gương mặt từng thất thần vì đói khổ nay rạng rỡ nụ cười, Hải xúc động: “Tôi nghĩ mình đã hoàn thành một nhiệm vụ lớn lao, không phải của người chiến sĩ nơi thao trường mà là người quân nhân trong cuộc đời quân ngũ”.
 |
Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Hải (thứ tư, từ trái sang) cùng các cá nhân, tổ chức trao tiền hỗ trợ gia đình anh Y Ngai Niê, ở buôn Lang, thị trấn Ea Pốk, tỉnh Đắk Lắk, bị tai nạn giao thông tháng 2-2024. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau cột mốc đó, Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Hải làm nhiều công tác thiện nguyện hơn. Anh không ồn ào mà lặng lẽ tranh thủ thời gian rảnh viết bài, kết nối mạng xã hội, báo chí để kêu gọi hỗ trợ cho những mảnh đời khó khăn. Cuối năm 2016, anh thành lập nhóm thiện nguyện được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cấp phép hoạt động. Đến nay, nhóm đã giúp hơn 700 hoàn cảnh, với tổng số tiền vận động hơn 7 tỷ đồng.
Nhóm đã xây hơn chục căn nhà tình thương, trao vật nuôi, cây giống, sinh kế hỗ trợ người nghèo. Một sáng kiến ý nghĩa của anh là mô hình “trao cần câu chứ không chỉ tặng cá”, tặng lợn giống, dê sinh sản, gạo, tiền vốn để các hộ có điều kiện vươn lên. Câu chuyện thành công của cựu chiến binh Tưởng Xuân Ứng, bà Đàm Thị Bình hay anh Y Dhuyn Bkrong là những minh chứng sinh động cho phương châm ấy. Nguyễn Trung Hải từng giúp cô giáo mầm non Đinh Thị Lệ Bình, bị liệt nửa người, gần như tuyệt vọng.
Bài báo xúc động do anh viết đã kêu gọi cộng đồng kịp thời chung tay. Cô được điều trị, hồi phục, rồi trở thành hiệu trưởng trường mầm non, điều tưởng chừng không thể nếu thiếu bàn tay kịp thời lúc ấy. Gần đây, tháng 4-2025, Nguyễn Trung Hải đã giúp em Vũ Hoàng Hiệp (sinh năm 2008), mồ côi cha mẹ, bị tai nạn nghiêm trọng, có nguy cơ hoại tử chân. Gia đình em nợ hơn 100 triệu đồng vì trước đó bà ngoại cũng gặp tai nạn. Sau khi bài viết của anh được lan tỏa, chỉ vài ngày đã quyên góp được 28 triệu đồng, đủ giúp Hiệp được chuyển kịp thời lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị.
Trung tá Ngô Đình Cường, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Cư M'gar chia sẻ: “Đồng chí Nguyễn Trung Hải xây dựng mô hình "trao cần câu chứ không chỉ tặng cá" cho bà con, mỗi suất quà từ 2 đến 5 triệu đồng gồm một cặp lợn giống, hoặc dê sinh sản, vài chục ki-lô-gam gạo hay vài trăm nghìn đến vài triệu đồng để giúp một hộ nghèo. Nhờ cách làm này, anh đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo thành viên, cùng sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể nên hoạt động thiện nguyện ngày càng hiệu quả. Mô hình của Nguyễn Trung Hải và các cá nhân thiện nguyện đã giúp hơn 30 gia đình được hỗ trợ giống vật nuôi. Đến nay, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cư M'gar đã có thu nhập từ vật nuôi sinh sản, như gia đình cựu chiến binh Tưởng Xuân Ứng, ở buôn Ea M'droh, xã Ea M'droh; gia đình bà Đàm Thị Bình ở thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp; gia đình anh Y Dhuyn Bkrong ở buôn Brah, xã Cư Dliê M'nông...
10 năm qua, Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Hải đã đi đến nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, âm thầm làm thiện nguyện bằng trái tim của người quân nhân. Anh từng nói: “Một bát cơm có thể cứu một sinh mạng, một cánh tay chìa ra đúng lúc có thể thay đổi cả một cuộc đời”. Trong cuộc sống còn nhiều gian khó, vẫn có những người sống để yêu thương và cống hiến. Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Hải là một người như thế.
HỒNG NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.