Ngày 31-10-2014, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức Tống Văn Thọ theo Quyết định số 14/QĐ-THET. Sau đó ông Thọ đã khiếu nại đến ông Hiệu trưởng và UBND huyện Sông Hinh, nhưng qua 2 lần giải quyết, việc khiếu nại không được chấp nhận. Ngày 26-1-2015 ông Thọ làm đơn khởi kiện vụ án hành chính nhưng Tòa án lại xác dịnh đây là “tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” tại án Lao động sơ thẩm số 01/2015/LĐ-ST ngày 31-8-2015 của Tòa án nhân dân huyên Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đã Quyết định: Bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Thọ.
Ngày 18-7-2017 Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã thụ lý vụ án dân sự “Hủy Quyết định buộc thôi việc”, giữa nguyên đơn bà Đặng Thị Nhung với bị đơn ông Phạm Ngọc Hoàn- Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Yên. Lý do là, theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, kết luận của Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, ông Hoàn đã ký Quyết định kỷ luật số 01/QĐKL-VC ngày 18-11-2016, bằng hình thức “Buộc thôi việc” đối với viên chức Đặng Thị Nhung. Khi tham gia thủ tục “kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ” Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn nêu ý kiến: Vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện, vì bà Nhung bị kỷ luật từ ngày 18-11-2016 nhưng bà không làm đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quy định từ Điều 51 đến Điều 56 Luật Khiếu nại, mãi đến ngày 17-3-2017 bà mới làm đơn khởi kiện ra Tòa án. Về tư cách của những người tham gia tố tụng theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì bà Nhung là người khởi kiện, ông Hoàn là người bị khởi kiện.
Theo quan điểm của Tòa án, lý do họ áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự vì Điều 30 Luật Viên chức ngày 15-11-2010 quy định: Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động”. Chúng tôi cho rằng, đối với hai vụ án nêu trên là án hành chính vì những căn cứ sau:
Trường Tiểu học Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và Trường Trung học phổ thông Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là những đơn vị sự nghiệp công lập;
Điều 20 Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 6-4-2012 của Chính phủ về trình tự khiếu nại quy định “Viên chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với Quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Khoản 2 Điều 3 Luật khiếu nại, ngày 11-11-2011 quy định: “Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo quy định của luật này”.
Quyết định kỷ luật Viên chức của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là Quyết định hành chính bởi lẽ: Khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính ngày 25-11-2015 giải thích “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.
Điều 4 Nghị định số 75/ NĐ- CP ngày 3-10-2012, quy định: Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật của công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước như sau:
“Việc khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, thời hiệu khiếu nại; thời hạn giải quyết khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức tại Chương IV của Luật khiếu nại và Nghị định này”.
Về khiếu nại, thời hiệu, hình thức, thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại tại các Điều 47, 48 và 49 Chương IV Luật Khiếu nại quy định:
Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc người bị kỷ luật có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Hình thức, việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn, ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, Đơn khiếu nại lần đầu phải được gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Đơn khiếu nại lần hai được gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Sau khi thực hiện các thủ tục này nếu không nhất trí với các quyết định giải quyết lần 1, lần 2 thì người khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 54 và điểm i khoản 1 Điều 56 Luật khiếu nại.
Mặc dù bản án sơ thẩm số 01/2018 ngày 31-1-2018/ LĐ-ST của Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang quyết định “không chấp nhận yêu cầu hủy Quyết định kỷ luật số 01/QĐKL-VC ngày 18-11-2016 của ông Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Yên, song đối chiếu với nội dung hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ, chúng tôi cho rằng trong trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang phải căn cứ vào điểm 6 Điều 11, Điều 48 Luật Khiếu nại, và Điều 123 Luật Tố tụng hành chính ra Quyết định trả lại bà Nhung đơn khởi kiện.
Sau khi có Luật Viên chức, Chính phủ đã có văn bản của hướng dẫn về trình tự, thời hạn, thời hiệu thủ tục xử lý trường hợp Viên chức bị kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi viêc”, nhưng rất tiếc trong Luật Tố tụng hành chính ngày 8-12-2015 lại không đưa chủ thể Viên chức là đối tượng điều chỉnh, của luật.
Để khắc phục thiếu sót trên và đảm bảo tính đồng bộ hoàn thiện quy định của pháp luật đề nghị Liên Đoàn luật sự kiến nghị bổ sung vào điểm 5 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính hai từ Viên chức sau từ Công chức.
Ý kiến của người viết đối với việc áp dụng luật trong việc giải quyết khiếu nại của Viên chức khởi kiện khi họ bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, thì Tòa án phải áp dụng Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ.
Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH (Chi hội luật gia Đoàn Luật sư, tỉnh Tuyên Quang)