Sau khi nhận được công văn của Báo Quân đội nhân dân, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, UBND xã Đồng Sơn kiểm tra, xác minh nội dung đơn của ông Đới Văn Mạnh. Ngày 4-6-2021, UBND xã Đồng Sơn có Văn bản số 39/CV-UBND với nội dung: Tên trong đơn đề nghị của gia đình là Đới Văn Châu (tức Đới Văn Mừng), năm sinh 1919, tham gia du kích bí mật tại thôn trước năm 1945 và bị địch bắt vào tháng 6-1951. Tên trong sổ danh sách liệt sĩ và gia đình liệt sĩ viết tay xã Đồng Sơn (do gia đình cung cấp): Ông Đới Minh Châu, năm sinh 1926, nhập ngũ năm 1948, hy sinh năm 1950. Ông Đới Văn Châu không có tên trong lịch sử Đảng bộ xã và trên tượng đài, mộ an táng tại nghĩa trang liệt sĩ cũng không có tên.
 |
Viếng mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Lai Châu. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Ngoài ra, UBND huyện Nam Trực cũng đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện làm việc với ông Vũ Nhật Sướng-người chịu trách nhiệm biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Sơn; ông Vũ Đức Tương-nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Phó ban biên soạn lịch sử Đảng bộ xã Đồng Sơn; các đồng chí nguyên là cán bộ LĐ-TB&XH xã Đồng Sơn qua các thời kỳ để làm rõ nội dung đơn đề nghị của công dân. Tuy nhiên, qua các buổi làm việc và thu thập tài liệu liên quan đến việc đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Đới Văn Châu, đến nay chưa đủ căn cứ pháp lý để hướng dẫn lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ theo quy định.
Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật thì trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Đới Văn Châu chưa bảo đảm một trong 2 điều kiện để đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Cụ thể như sau:
1. Trường hợp áp dụng theo Khoản 11, Điều 4, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TB&XH là: “Những trường hợp hy sinh từ ngày 31-12-1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong giấy báo tử trận; huân chương; huy chương; giấy chứng nhận đeo huân chương; giấy chứng nhận đeo huy chương; bảng vàng danh dự; bảng gia đình vẻ vang; danh sách liệt sĩ lưu trữ tại các trung đoàn và tương đương trở lên; lịch sử đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; báo cáo hằng năm từ trước năm 1995 của các cấp ủy đảng được lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền của Đảng”.
2. Trường hợp áp dụng theo Điều 3, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc Phòng hướng dẫn triển khai thực hiện việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ quy định các căn cứ xác nhận liệt sĩ: “1. Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; 2. Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31-12-1994 trở về trước”.
QĐND