Câu chuyện về người cán bộ Thành đoàn Hà Nội xung phong vào chiến trường Quảng Trị năm 1965 và gắn bó với mảnh đất miền Trung hơn 10 năm gây xúc động với thế hệ trẻ hôm nay.

Tìm gặp bà Hoàng Phương Trang, Chánh văn phòng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phu nhân của ông Trần Phương Thạc, chúng tôi được nghe bà kể lại:

Ông Trần Phương Thạc sinh năm 1939 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Triệu Phong (Quảng Trị), sau đó thì theo gia đình tập kết ra Bắc. Được học tập và lớn lên ở miền Bắc, Trần Phương Thạc nhanh chóng trưởng thành, là một trong những phó bí thư quận đoàn năng nổ, nhiệt huyết, lại chuẩn bị đi học ở nước ngoài. Một tương lai hứa hẹn đang chờ nhưng trong ông luôn nung nấu khát vọng được trở lại quê nhà, trực tiếp cầm súng đánh đuổi giặc thù. Năm 1965, Phương Thạc đạt được ý nguyện trở về chiến đấu tại quê hương trên cương vị cán bộ của Đảng ủy Mặt trận Quảng Trị.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Phương Thạc tại chiến trường Quảng Trị, Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. 

Phương Thạc đã hòa mình vào cuộc sống chiến đấu cùng chính quyền và bà con quê hương Quảng Trị. Khi nằm vùng ở vùng địch hậu xây dựng cơ sở, khi lăn lộn đi chuẩn bị chiến trường, khi sẵn sàng giương tay súng trong công sự..., ông cũng ngủ bụi, nằm hầm, chịu mọi khó khăn, vất vả như một người lính thực thụ. Không đầy một năm sau, ông đã được giao đảm trách công tác thanh niên của tỉnh.

Bản thân ông cũng biết bao lần rơi vào nguy hiểm khi đối diện với kẻ thù. Như lần ông và đồng chí liên lạc gặp một đại đội lính Mỹ đi càn. Họ đã dùng tiểu liên và súng ngắn bắn phủ đầu, tiêu diệt tại chỗ 4 tên địch, làm chúng sợ hãi, chạy tán loạn vì tưởng quân ta phục kích. Hay trong trận chống càn đánh tan hai tiểu đoàn dù ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong quê nhà, ông bị lạc. Đồng đội tưởng ông hy sinh nên đã đưa tên vào điếu văn truy điệu của Huyện ủy Triệu Phong. Rất may, ông đã được bà con ta cứu thoát.

Trong Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, ông đưa lực lượng biệt động, bộ đội địa phương... vừa đánh địch, vừa mở đường về Triệu Phong, cùng quân chủ lực đánh địch phản kích chiếm lại Cửa Việt. Trong trận đánh này, ông bị thương nặng. Nhưng ý chí mạnh mẽ và niềm tin vào ngày chiến thắng không xa đã giúp ông vượt qua “cửa tử”.

Hòa bình lập lại, dù vợ con đang ở ngoài Bắc, ông quyết định ở lại xây dựng quê hương, trên các cương vị: Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã Đông Hà, Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Trị Thiên rồi Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên. Sau này, ông có nhiều năm bôn ba ở nước ngoài trên cương vị của một cán bộ ngoại giao. Năm 2000, ông mất ở Nga sau một cơn đau tim.

leftcenterrightdel

Bà Hoàng Phương Trang kể lại những kỷ niệm về chồng mình. Ảnh: KHÁNH AN.

Năm 2007, ông Trần Phương Thạc đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HOA THỦY TIÊN