Tổ chức làm điểm, xây dựng và hoàn chỉnh quy trình

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã ký Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH (ngày 20-3-2017), ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công (NCC) với cách mạng. Trước đó, trong quý IV năm 2016, Bộ LĐ-TB-XH đã chủ trì triển khai làm điểm việc xác nhận NCC với cách mạng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại 5 tỉnh, thành phố (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An); tiếp đó tổ chức rút kinh nghiệm để xây dựng, hoàn chỉnh và chính thức ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC.

leftcenterrightdel

Cán bộ Cục Chính trị Quân khu 2 và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Thọ phối hợp rà soát hồ sơ tồn đọng đối với người có công. 

Để triển khai thực hiện làm điểm, Bộ LĐ-TB-XH thành lập Tổ công tác của Trung ương, do một đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm tổ trưởng, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo; thành viên của tổ là cán bộ của các cơ quan chức năng, tổ chức và các hội có liên quan; Cục NCC cũng thành lập tổ giúp việc. Quá trình xem xét bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, thực hiện đúng các bước theo Kế hoạch của Cục NCC và hướng dẫn của Tổ công tác Trung ương.

Tại các tỉnh, thành phố được làm điểm, đến đầu năm 2017, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp NCC với cách mạng, gồm 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Tại một số địa phương khác, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, thông qua các khâu, các bước theo quy trình, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương thống nhất đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với 39 hồ sơ. Bộ LĐ-TB-XH có ý kiến để địa phương ra quyết định công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với 2 hồ sơ. Tại một số địa phương, qua kiểm tra hồ sơ, thấy chưa tiến hành đủ các bước theo quy định, Tổ công tác hướng dẫn địa phương hoàn thiện để tiếp tục thẩm định.

Tháng 2-2017, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm làm điểm việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC (tại khu vực phía Bắc và phía Nam); qua đó rà soát, xây dựng hoàn chỉnh và ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH (gọi tắt là Quyết định 408) kèm theo Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, để các cơ quan chức năng, các địa phương kịp thời triển khai đồng bộ từ tháng 3-2017.

Đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định

Theo đồng chí Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục NCC: Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC (gọi tắt là Quy trình), ban hành kèm theo Quyết định 408, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tiến hành rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây có thể coi là “cẩm nang” để các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan... xác định rõ trách nhiệm, phần việc của mình và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, các cơ quan và cá nhân cần nghiên cứu kỹ nội dung Quy trình để hiểu đúng, thực hiện đúng, bảo đảm đúng các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện…

Về đối tượng, theo Quyết định 408, trong năm 2017, các địa phương phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh đáp ứng các yêu cầu: Hồ sơ đã lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm, nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục, hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ, nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hồ sơ đang lưu trữ tại sở LĐ-TB-XH, bộ CHQS tỉnh, thành phố và công an tỉnh, thành phố trở lên (việc thẩm định, xác nhận các hồ sơ không phải hồ sơ tồn đọng vẫn được tiến hành thường xuyên và theo quy định của pháp luật hiện hành). Không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận NCC (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật).

Để thực hiện tốt việc xem xét, xác nhận hồ sơ tồn đọng của NCC, Quyết định 408 quy định: Thành lập Tổ công tác liên ngành xác nhận NCC, do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm tổ trưởng; các thành viên gồm: Đại diện Cục NCC và Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH; Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Thành lập Ban chỉ đạo xác nhận NCC cấp tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo xác nhận NCC cấp huyện, xã. Quy trình giải quyết cũng được quy định cụ thể, thực hiện theo 6 bước, gồm: Phân loại hồ sơ tồn đọng ở cấp tỉnh; xác minh bổ sung đối với các hồ sơ có thể hoàn thiện; tổ chức xét duyệt lần lượt từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với NCC, trách nhiệm trước hết và chủ yếu thuộc về các địa phương; có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong suốt quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Để giải quyết tốt các hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu: Đối với các tỉnh, thành phố (gọi chung là tỉnh) có từ 50 hồ sơ trở lên thì chọn một số địa phương cấp huyện để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Các tỉnh có từ 10 đến 50 hồ sơ, Tổ công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Các tỉnh có dưới 10 hồ sơ thì giao địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch của Trung ương và báo cáo Tổ công tác liên ngành và Cục NCC thẩm định kết quả. Hiện nay, các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đang khẩn trương rà soát hồ sơ NCC theo Quyết định 408, báo cáo Bộ LĐ-TB-XH và triển khai thực hiện ở địa phương. Theo đồng chí Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa thì điều quan trọng nhất trong thực hiện Quyết định 408 là phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan; của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động; ý kiến của cộng đồng nhân dân; phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong minh bạch kết quả giải quyết hồ sơ. Phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là khâu xét duyệt ở cơ sở; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát. Thực hiện tốt Quyết định 408 sẽ có thêm kinh nghiệm để tiếp tục giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh, nhất là việc xác nhận NCC không còn giấy tờ theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT của liên Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Quốc phòng.

Theo Đại tá Đặng Danh Hưng, Trưởng phòng Thương binh-liệt sĩ và NCC, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị: Bước đầu thực hiện rà soát theo quy định tại Quyết định số 408, trong các đơn vị quân đội từ cấp tỉnh trở lên còn khoảng 30 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và khoảng 100 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh. Cùng với cử thành viên tham gia tổ công tác liên ngành, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cấp rà soát và tập hợp giải quyết các vướng mắc về hồ sơ tồn đọng trong các cơ quan, đơn vị quân đội ở cấp tỉnh và quân khu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương, nhất là ngành LĐ-TB-XH để xử lý các vướng mắc phát sinh đối với những hồ sơ tồn đọng; sớm bổ sung, hoàn thiện đủ các yếu tố xác nhận theo quy định.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH xác định: Việc xem xét, đề nghị xác nhận NCC với cách mạng nói chung, theo Quyết định 408 nói riêng cần được tiến hành khẩn trương, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành để NCC được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; đồng thời kiên quyết không để xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ; xử lý nghiêm mọi trường hợp tiêu cực, lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước để trục lợi.

ANH QUÂN – BÍCH HẰNG