Là người tiếp nhận và xử lý đơn thư, người viết bài đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, thừa kế. Cha mẹ không để lại di chúc, ông Văn Kiệt (Vĩnh Long) và anh trai đã không thống nhất được việc chia đất. Ngày Kiệt dựng bức tường ranh giới, người anh đổ đất dọc bức tường với lý do nâng nền. Kiệt bảo tường còn yếu đừng đổ nữa nhưng người anh vẫn cứ làm. Đang có men rượu trong người, Kiệt cầm đoạn gỗ thì bị vợ giật lại. Chị dâu cầm đoạn sắt, người anh cầm dao chặt nhiều nhát vào tường rồi dùng nạng thun bắn Kiệt nhưng không trúng. Kiệt lượm cục đá ném trả trúng vào đầu chị dâu, phải đưa đi cấp cứu, thương tích 23%. Tại phiên tòa, chủ tọa, hội thẩm và kiểm sát viên đều lần lượt hỏi vợ chồng người anh có xin giảm án cho em không bởi dẫu gì cũng tình thâm máu mủ nhưng người anh đã trả lời: “Giờ tôi không còn tình nghĩa gì với nó, yêu cầu tòa xử theo đúng luật, không giảm nhẹ gì hết”. Tòa tuyên bị cáo 9 tháng tù giam.

leftcenterrightdel
Một số đơn thư về tranh chấp đất đai thừa kế mà Báo Quân đội nhân dân nhận được. 

Cùng cảnh "nồi da xáo thịt" khi cho rằng ông nội đã cho bố mình mảnh đất, người chú đi bộ đội về được bố cho mượn nhưng lại làm được “sổ đỏ” và đang rao bán, Trần Văn Tốt (Tây Ninh) đã dùng cuốc bổ vào đầu chú ruột mình gây nứt sọ. Một tháng sau, người chú ruột qua đời. Ngày xét xử Nguyễn Đức Thuận (Hà Nội), kẻ đã gây ra tội ác tày trời là dìm chết chính em gái ruột của mình dưới sông Hồng vì tranh chấp đất còn có những người bà con làng xóm của Thuận, những người đã sống cùng anh em Thuận từ thuở ấu thơ. Cha mẹ chết, không để lại di chúc nhưng Thuận nhất quyết không chia quyền thừa kế cho em gái dù gia cảnh em nghèo khó, một mình nuôi 3 con nên chị phải nhờ đến tòa án giải quyết. Mặc dù đất đó đã thuộc quyền sở hữu của em nhưng Thuận nhất quyết không cho em bán, khách đến xem đất là Thuận chửi bới thậm tệ và ra điều kiện nếu em gái xây nhà để ở thì chỉ cho một mình em được ở, con cái không được ở. Trong khi mảnh đất còn chưa bán được, cuộc sống của 4 mẹ con vẫn nghèo túng thì bi kịch xảy ra.

Những vụ việc như vậy, bên cạnh việc đất đai trở nên quý như vàng thì có một nguyên nhân quan trọng nữa là do hầu hết các bố mẹ chưa có sự phân chia rõ ràng tài sản của mình cho con cái khi còn sống hoặc lập thành di chúc trước khi chết. Một nguyên đơn đã viết trong đơn gửi đến tòa soạn: “Anh em cùng cha cùng mẹ thật ê chề khi phải gặp nhau tại tòa để chia tài sản. Bản thân bố mẹ tôi chắc cũng không ngờ khối tài sản mình chắt chiu cả đời lại khởi nguồn để các con tranh giành lẫn nhau... Thế nhưng, giá như các cụ để lại di chúc thì hay biết mấy”.   

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Đây là việc làm nhân văn, không chỉ thể hiện tình cảm và nguyện vọng của các bậc cha mẹ trước lúc qua đời mà còn tránh cho những người thân thích còn sống phát sinh những mâu thuẫn không đáng có. Với các nước có nền pháp lý phát triển, việc lập di chúc được phổ biến rộng rãi nên hạn chế, phòng ngừa được rất nhiều tranh chấp và hậu quả có thể xảy ra. Khi tranh chấp, các thành viên trong gia đình nhờ đến tòa án, người giám hộ. Dù chọn cách nào, điều này sẽ tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, đặc biệt tình cảm ruột thịt mất đi. Không ít trường hợp nhờ đến người giám hộ nhưng người giám hộ lại lợi dụng khối tài sản đó để phục vụ cho mục đích riêng.

Bộ luật Dân sự quy định, một di chúc được coi là hợp pháp phải hội đủ các điều kiện, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Di chúc phải được lập thành văn bản, hoặc có thể di chúc miệng trong các trường hợp đặc biệt. Sau khi lập di chúc, người lập di chúc có thể nhờ người ký làm chứng hoặc công chứng tại các phòng công chứng, hoặc chứng thực di chúc tại UBND địa phương nơi người lập di chúc cư trú. Việc lập di chúc hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của người có tài sản, không cần sự đồng ý của người được hưởng di sản. Di chúc có thể lập và hủy nhiều lần. Trường hợp muốn hủy thì phải có đơn xin hủy nơi đã công chứng, chứng thực trước đây. Trường hợp tồn tại nhiều di chúc thì bản di chúc sau cùng sẽ có hiệu lực.

Mong rằng với những vụ việc phức tạp đã từng xảy ra, các bậc làm cha mẹ cần thấy rõ những ưu điểm của sự phân chia, thỏa thuận về tài sản giữa bố mẹ và con cái, nhất là bố mẹ cần để lại di chúc trước khi chết. Về lâu dài, cần một cuộc vận động sâu rộng trong lòng xã hội về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai trên cơ sở nhường nhịn, bao dung hơn, cân bằng mối quan hệ tiền bạc và đời sống tinh thần, đề cao những giá trị đạo đức, trân trọng nghĩa tình. Được như thế các tranh chấp trong xã hội sẽ ít đi, trong đó có tranh chấp về đất đai và xã hội sẽ ổn định, thanh bình hơn.

Bài và ảnh: KIM DUNG