Tại Army Games 2021, Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tham gia nội dung thi đấu này. Để giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, Báo QĐND Điện tử gửi tới bạn đọc những bài thi, yêu cầu cũng như tiêu chí đánh giá của Ban tổ chức đối với các đội tuyển tranh tài.

Năm nay, tham gia tranh tài ở nội dung “Kinh tuyến” có 6 quốc gia là: Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Belarus và Iran. Theo thông tin từ Ban tổ chức, các bài thi của nội dung này được tiến hành tại thao trường Alabino, ngoại vi Thủ đô Moscow. Các đội tuyển tham gia bao gồm 8 thành viên. Cụ thể: Đội trưởng; Chỉ huy kỹ thuật; nhân viên tính toán (2 người); sĩ quan tiêu đồ; nhân viên trắc địa và lái xe.

Khẩn trương tiến vào khu vực luyện tập. Ảnh: Chu Huyền 

Nội dung thi đấu được chia làm 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Bắn súng

- Yêu cầu: Các đội thực hành bắn súng cá nhân khi tiến hành cơ động rời khởi phương tiện vận chuyển PNGK-1. Bài bắn này dành cho các thành viên tổ trắc địa địa hình. Các xạ thủ ngoài quân phục tiêu chuẩn, phải mang theo tai nghe chuyên dụng.

- Mục tiêu: Các tuyển thủ phải bắn hạ tổng cộng 18 mục tiêu (6 mục tiêu cho mỗi thành viên). Theo yêu cầu của ban tổ chức, mỗi thành viên được bắn 12 viên đạn ở chế độ bắn đơn vào các mục tiêu ở cự ly 20-100m. Trong thời gian tổ trắc địa khai hỏa, các thành viên khác ở nguyên trong xe PNGK-1. Để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện bài bắn, súng trường của các thành viên tổ trắc địa phải để ở chế độ an toàn và chưa nạp băng đạn.

Giai đoạn 2: Cắt góc phương vị

- Đặc điểm: Vùng địa hình trắc địa có diện tích không quá 12km vuông với 10-15 điểm trung gian để đối chứng. Giữa các điểm trung gian được bố trí thêm 3-4 tuyến cơ động với khoảng cách mỗi tuyến là 6km. Công tác đo đạc và trắc địa phải được thực hiện xen kẽ không quá 30 phút.

Các thao tác thành thục trong huấn luyện. Ảnh: Chu Huyền 

Yêu cầu:

+ Mỗi điểm kiểm tra chính là một manh mối để xác định các phương vị tới các điểm kiểm tra kế tiếp.

+ Thứ tự xuất phát, các tuyến di chuyển của đơn vị tính toán và trắc địa của mỗi đội được xác định bằng hình thức bốc thăm.

+ Việc tính toán trắc địa trong thời gian ngắn nhất phải bao gồm các tham số của các điểm kiểm tra xác định từ đầu bài thi.

+ Các ghi rõ và đánh dấu toàn bộ các tham số trắc địa; khoảng thời gian giữa mỗi lần tính toán trắc địa tại các điểm kiểm tra không quá 180 giây. Nếu thời gian vượt quá quy định, thành tích tại điểm kiểm tra đó sẽ không được tính vào kết quả chung cuộc.

+ Trước khi bài thi bắt đầu khoảng 1 phút, đội trưởng tính toán trắc địa sẽ nhận thông tin từ ban tổ chức về dữ liệu, góc phương vị, các điểm kiểm tra cần tính toán và khoảng cách giữa chúng (được tính theo hệ mét).

Giai đoạn 3: Tiếp sức địa hình

Kiểm tra thiết bị, máy toàn đạc trước giờ huấn luyện. Ảnh: Chu Huyền 

-Đặc điểm: Thiết lập bản đồ trắc địa theo đường đa giác khép kín 3 điểm chặng có tổng độ dài không quá 1km để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

-Yêu cầu: Các tuyển thủ phải vượt qua tuyến đường, các vật cản và chướng ngại vật để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Trình tự chọn làn cơ động và vượt chướng ngại vật được thực hiện theo nguyên tắc bốc thăm trước đó. Đội đo đạc và trắc địa phải chạy theo tuyến đường riêng. Sa đồ của tuyến đường cơ động như sau:

1; 19: Điểm xuất phát hoặc về đích với khu vực đỗ xe chuyên dụng dành cho xe vận chuyển PNGK-1.

2; 5; 8; 11; 14; 18: Khu vực chạy cơ động.

3: Chướng ngại vật “Mê cung”.

4: Vị trí đo lường và lấy tham số trắc địa ban đầu.

6: Chướng ngại vật số 1.

7: Nơi để vũ khí.

9: Vị trí trắc địa số 2 “Điểm xác định”.

10: Lều tính toán số liệu.

12: Vị trí mục tiêu

13: Chướng ngại vật số 2

15: Điểm trắc địa số 3 “tính toán tham số cuối”.

16: Lều chốt kết quả trắc địa.

17: Chướng ngại vật hào sâu

20: Các điểm tính toán đặc biệt dùng để so sánh thời gian thực hiện của các đội thi trắc địa khác nhau.

Sa đồ thi đấu tại giai đoạn thứ 3. 

Đội tuyển Kinh tuyến thuộc Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu) là đội tuyển lần đầu tiên tham gia nội dung này ở Army Games 2021. Theo Thượng tá Bùi Yên Tĩnh, Phó cục trưởng Cục Bản đồ, “Kinh tuyến” là nội dung mới, chuyên sâu về nghiệp vụ địa hình, là công cụ để “nối dài các giác quan” của người chỉ huy. Thi đấu nội dung "Kinh tuyến" tại Army Games giúp người lính nâng cao trình độ, khả năng, kiến thức và kỹ năng sử dụng phương tiện, tư liệu địa hình để có tác phong nhanh nhẹn, khéo léo, linh hoạt xử trí các tình huống chiến đấu.  Mục tiêu đề ra trong nội dung thi là mỗi vận động viên phải vận dụng mọi tri thức, kỹ năng, chiến thuật và kinh nghiệm để vượt qua 3 phần thi. Đó là thử thách thực sự đối với những người lính khát khao chinh phục tri thức quân sự. 
Trailer nội dung "Kinh tuyến" do Ban tổ chức hội thao cung cấp. 

TUẤN SƠN (theo ArmyGames)