Nỗ lực tìm mẫu số chung cho những khác biệt

Trong một bài viết, tờ The Malay Mail của Malaysia cho rằng, trong vai trò chủ nhà, Việt Nam nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bảo đảm các hoạt động Tuần lễ Cấp cao diễn ra thông suốt, trang trọng, đáp ứng các tiêu chuẩn theo thông lệ APEC. Theo bài viết, xác định công tác tổ chức APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, việc chuẩn bị cho Năm APEC 2017 nói chung và công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao của Việt Nam đã được khởi động từ rất sớm và kỹ lưỡng, với việc thành lập Nhóm Công tác liên ngành vào năm 2014 và Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vào năm 2015. Về nội dung, Việt Nam nhận được sử ủng hộ rất lớn của các nền kinh tế thành viên APEC đối với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài viết nhận định, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực hài hòa lợi ích, tìm mẫu số chung cho những khác biệt, cùng thúc đẩy hợp tác APEC nhằm giữ đà hợp tác, liên kết của diễn đàn; giữ vững cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương với các nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau. 

leftcenterrightdel
Các đại biểu trao đổi trước khi khai mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 tại Đà Nẵng ngày 8-11. Ảnh: VĨNH AN 
Trong khi đó, bài viết của trang mạng Iapsdialogue.org của Anh nhận xét trong hai năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi tích cực với mức tăng trưởng trung bình hơn 6% nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, giá cả hàng hóa tăng và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Cũng theo bài viết, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 mang tới nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trước hết, đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trên thế giới, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. APEC 2017 cũng tạo cơ hội cho các nền kinh tế thành viên tổ chức các hội nghị song phương riêng biệt để thảo luận các chủ đề không có trong nội dung chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác với các nhà lãnh đạo chủ chốt của APEC. 

Nền tảng vững chắc để hội nhập

Tờ Diplomat lại cho rằng, kể từ màn xuất hiện đầu tiên của Việt Nam trên "sân khấu kinh tế thế giới" tại APEC 2006, Việt Nam đã tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế với các nước láng giềng liền kề và các đối tác thương mại ở xa hơn. Quan hệ được cải thiện đã thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam và các thành viên ASEAN đã mở rộng phạm vi của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tiếp đó là đàm phán để củng cố các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).... Theo Diplomat, thông qua việc hội nhập kinh tế, Việt Nam đã đa dạng hóa thành công các thị trường xuất khẩu của mình. Sự hội nhập kinh tế gia tăng cũng đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 tăng gấp 3 lần so với năm 2006, lên hơn 200 tỷ USD. 

Chia sẻ quan điểm của mình, Tiến sĩ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Jakarta, Indonesia, cho rằng Việt Nam có nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập phát triển như lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công ở mức vừa phải, kinh tế xã hội đang có sự chuyển biến tích cực. Theo ông, đối với nhiều quốc gia, Việt Nam được đánh giá là mô hình phát triển thành công với thế mạnh là nền kinh tế phát triển liên tục ở mức cao trong nhiều năm, có sự cải tổ, thay đổi tích cực để thu hút đầu tư, đặc biệt là từ sau khi gia nhập APEC.

HOÀNG VŨ (tổng hợp)