Giáo sư (GS) Carlyle Thayer, chuyên gia quốc tế hàng đầu về Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Trường Đại học New South Wales (Australia), nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi qua thư điện tử (email) với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về Năm APEC Việt Nam 2017.

Theo GS Carlyle Thayer, APEC đóng vai trò như một nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo thế giới để thúc đẩy các mục tiêu tự do hóa thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế. Đây cũng là địa điểm để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận bên lề một loạt các vấn đề “phi kinh tế” cùng quan tâm. “Sự hiện diện của lãnh đạo các nền kinh tế lớn tại APEC là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của họ đối với việc duy trì một môi trường hòa bình để phát triển kinh tế”, GS Carlyle Thayer nhận xét.

leftcenterrightdel
Giáo sư Carlyle Thayer. Ảnh: Bảo Trung 
Vị học giả Australia cho rằng trên cương vị là nền kinh tế chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam “đóng vai trò ngoại giao trong việc thúc đẩy các mục tiêu của APEC trong một bối cảnh đa phương”. Theo GS Carlyle Thayer, chủ đề của Năm APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đưa ra sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu chung và dài hạn của APEC là xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không những vậy, đây còn là một chủ đề quan trọng, “thể hiện sự cấp bách phải phục hồi kinh tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng việc đạt được sự đồng thuận trong các nước thành viên APEC để thúc đẩy các nỗ lực tăng trưởng và hội nhập kinh tế khu vực thông qua thương mại và đầu tư”. GS Carlyle Thayer cũng đánh giá việc Việt Nam lựa chọn TP Đà Nẵng là nơi diễn ra các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là “một lựa chọn tuyệt vời”. “Đây là một thành phố hiện đại với đường phố rộng rãi, những khách sạn đẳng cấp quốc tế có tầm nhìn đẹp hướng ra biển. Sân bay Đà Nẵng cũng rất hiện đại”, GS Carlyle Thayer chia sẻ.

Trong cuộc trao đổi, GS Carlyle Thayer cũng không quên nhắc đến việc Việt Nam từng đảm nhiệm thành công vai trò nền kinh tế chủ trì các hoạt động của Năm APEC 2006. Theo GS Carlyle Thayer, ngay từ năm 1991, Việt Nam đã chủ trương “đa dạng hóa và đa phương hóa” các quan hệ đối ngoại. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sau đó là APEC vào năm 1998. Là thành viên trong các tổ chức đa phương, Việt Nam đã tổ chức thành công các cuộc họp bộ trưởng và một số hội nghị cấp cao như Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 vào năm 1997 và một năm sau đó là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6. GS Carlyle Thayer cho rằng đây là những tiền đề chuẩn bị cho Việt Nam làm chủ nhà Năm APEC 2006. “Năm APEC 2006 thể hiện khả năng dẫn dắt cũng như đóng góp có tính xây dựng của Việt Nam vào việc thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực. Kết quả của Năm APEC 2006 đã nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam và là bàn đạp ngoại giao quan trọng giúp Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2007.  Cần lưu ý rằng Việt Nam đã được châu Á đồng thuận chọn làm ứng cử viên và giành được số phiếu gần như tuyệt đối tại Đại hội đồng Liên hợp quốc”, GS Carlyle Thayer khẳng định.

HOÀNG VŨ