Phóng viên: Hội nghị này mang lại cho ông những cơ hội hay kinh nghiệm nào không, thưa ông?

Ông Grzegorzyn: Tôi rất vui khi tham dự Hội nghị lần này. Tôi đã gặp được đại diện của nhiều công ty để tìm hiểu và xây dựng quan hệ với họ. Không chỉ ở Hội nghị hôm nay mà cả ngày hôm qua tôi cũng đã gặp gỡ đại diện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam. Làm kinh doanh như chúng tôi thì kết nối với các doanh nghiệp khách rất quan trọng. Tuần lễ cấp cao APEC mang lại cơ hội kết nối tốt nhất cho chúng tôi và đây cũng là dịp để mọi người đến với Việt Nam và không thể quên được Việt Nam, một thành viên quan trọng trong 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Công ty của chúng tôi chưa hoạt động ở Việt Nam nên tôi muốn đến đây để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vài năm trước tôi đã đến Đà Nẵng để tìm hiểu cơ hội nhưng không gặp được nhiều đối tác nhưng lần này thì khác vì tôi đã gặp được một số đối tác tiềm năng. Điều đó thật tuyệt phải không?

Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC như một Thế vận hội của các doanh nghiệp khi lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham dự. Như tôi biết lần này có tới hơn 2.000 doanh nhân tham gia. Trong số những người này, có người có thể đã đến Việt Nam trước đây vài năm nhưng lần này họ thấy nhiều đổi thay và tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư ở Việt Nam. Ví dụ đơn giản nhất là trình độ tiếng Anh của người Việt Nam tốt hơn những năm trước rất nhiều. Tiếng Anh cũng thực sự giúp Việt Nam hội nhập. Như vậy, Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư vào ngành giáo dục để mang lại những đổi thay thực sự, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn, tham gia làm việc ở nhiều lĩnh vực với chất lượng cao. Người Việt ở Australia hay trong nước đều là những người lao động có chất lượng tốt và đó là điều quan trọng. Khi trình độ giáo dục nâng lên, người Việt Nam càng làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
Ông Nicolas Grzegorczyn trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Điện tử. 
Phóng viên: Ông có thể bật mí về cơ hội đầu tư của Công ty ông ở Việt Nam hay không?

Ông Grzegorzyn: Ngành dầu khí của Việt Nam cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm và có nhiều đối tác tham gia. Tín hiệu tốt là giá dầu thô đang tăng dần và nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục kiếm tìm các dự án mới. Cơ hội vẫn còn nhiều. Ngoài việc khai thác dầu khi đơn thuần, việc kết hợp xây dựng các đường ống dẫn dầu hay khí đốt tới các cơ sở hạ tầng để làm tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển. Việt Nam có thể làm được điều này và nó không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi mà có thể giúp kéo các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư như Australia đã thành công từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khi đó, một số công ty như Toyota hay Holden đã thành công từ nền tảng năng lượng như tôi nói ở trên. Tuy nhiên, sau này một số công ty rút khỏi thị trường Australia do những yếu tố trên không được bảo đảm. Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm này từ Australia.

Phóng viên: Ông nói đang tìm hiểu môi trường kinh doanh ở Việt Nam, vậy có yếu tố nào Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài?

Ông Grzegorzyn: Các chính sách của Chính phủ Việt Nam đang được cải thiện rất nhiều để thu hút đầu tư hơn nữa. Ngay tại APEC CEO Summit này, tôi cũng thấy nhiều điểm sáng như an ninh tốt. Một môi trường an ninh tốt khiến các nhà đầu tư yên tâm khi quyết định đổ vốn vào đây. Những yếu tố này khiến tôi nghiên cứu kỹ để sớm tìm ra cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Tuy vậy, dù đã nghiên cứu các chính sách, tôi vẫn tới đây gặp gỡ các doanh nghiệp để tìm hiểu xem họ gặp phải những vấn đề gì khi kinh doanh ở Việt Nam như liên quan tới các quy định, tệ tham nhũng hay các rào cản khác.

Chính phủ Việt Nam cũng cần có thêm những ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư để họ có được cơ hội bình đẳng như những doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần so sánh chính môi trường đầu tư của mình với các quốc gia lân cận để điều chỉnh và tạo ra môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao hơn trong khu vực.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc ông sẽ thành công ở thị trường Việt Nam!

VĂN YÊN, NGỌC HƯNG, TRỌNG HẢI, LÂM TOÀN (thực hiện)