Những con số biết nói

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 nói riêng và Năm APEC 2017 nói chung đã thành công tốt đẹp. Đây không phải là đánh giá của riêng Việt Nam mà là của các nền kinh tế thành viên. “Trong tất cả các cuộc làm việc, các chuyến thăm cấp Nhà nước và thăm chính thức cũng như các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước tham dự đều đánh giá Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 hết sức thành công. Thành công cả về tổ chức và nội dung”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

leftcenterrightdel
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. 

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, kết quả lớn nhất của Năm APEC Việt Nam 2017 thể hiện ở việc tiếp tục khẳng định APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như duy trì được các mục tiêu của diễn đàn là tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế. “Trong vòng 10 năm qua mới có việc lãnh đạo cấp cao của hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC tham gia Tuần lễ Cấp cao. Đây là điều hiếm có”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó còn có những con số biết nói như 21.000 đại biểu tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017, riêng Tuần lễ Cấp cao APEC là hơn 11.000 người. APEC CEO Summit 2017 thu hút sự tham gia kỷ lục của hơn 2.000 đại biểu trong khi thông thường chỉ 1.000-1.500 đại biểu đã được xem là thành công. “Điều đó cho thấy sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp đối với vấn đề liên kết kinh tế khu vực. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng có đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước tham dự đưa tin, với hơn 2.800 người. Tất cả cho thấy sự quan tâm của thế giới và khu vực đối với Tuần lễ Cấp cao APEC 2017”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận xét.

Ngôn ngữ mạnh hơn cả của Tuyên bố G20

Hiện nay, sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Những lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế là không ít. Thực tế này đặt những người chèo lái con thuyền APEC trước trọng trách chung tay hành động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho diễn đàn. Vì vậy, việc các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ra tuyên bố “nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” hay “nhắc lại cam kết không gia tăng bảo hộ đến hết năm 2020, và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm mọi tập quán thương mại không công bằng, và ghi nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp”, được xem là cần thiết hơn bao giờ hết. “Ngôn ngữ như vậy còn mạnh hơn cả của Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận xét.

Năm APEC Việt Nam 2017 diễn ra đúng thời điểm mốc thời gian 2020 hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư đang đến gần. Vì vậy, việc vạch rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn sau năm 2020, làm thế nào để tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Do đó, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, một thành công phải kể đến của Năm APEC 2017 là các nhà lãnh đạo kinh tế đã đưa ra Tầm nhìn của APEC sau năm 2020 với việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các Quan chức Cao cấp trong việc xây dựng Tầm nhìn hậu 2020, trong đó bao gồm tham vấn với các bên liên quan. Tầm nhìn này sẽ phát huy những thành tựu mà APEC đã đạt được, xử lý các công việc chưa hoàn thành và thăm dò những lĩnh vực hợp tác mới để nâng cao hiệu quả ứng phó các thách thức và vấn đề cấp bách mới và mới phát sinh sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.

Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 kết thúc tốt đẹp, chính thức khép lại một năm APEC 2017 thành công, trong đó không thể không kể đến vai trò của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam đang quyết tâm chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, khẳng định là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm của APEC nói riêng cũng như cộng đồng quốc tế nói chung.  Năm nay được đánh giá là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu, và APEC không phải là ngoại lệ. Nhận thức rõ được bối cảnh ấy, Việt Nam đã đề ra chủ đề  “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên lớn cho Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo  Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên APEC, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế. “Các nền kinh tế thành viên đều hết sức ủng hộ chủ đề và 4 ưu tiên. Điều đó cho thấy chúng ta đã chọn đúng mối quan tâm của các nền kinh tế thành viên. Không một nền kinh tế thành viên nào thấy mình đứng ngoài những ưu tiên đó”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Không những vậy, Việt Nam còn có sáng kiến tổ chức các hội nghị bên ngoài khuôn khổ APEC như cuộc Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện” hay Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS) với chủ đề “Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy”.  “Hầu hết các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đều tham dự Đối thoại giữa APEC và ASEAN. Hay như VBS lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút sự tham dự của đại diện 2.200 doanh nghiệp, trong đó có 850 doanh nghiệp trong nước, còn lại là các doanh nghiệp khu vực và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” kèm 2 phụ lục: Chương trình Hành động APEC về Thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội và Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Trong khi đó, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 ra Tuyên bố chung kèm 4 phụ lục: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới của APEC; Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) xanh, bền vững và đổi mới sáng tạo; Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; và Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn - đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng. Một điều đáng chú ý ở đây, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, là những phụ lục này đều là sáng kiến của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam.

“Nhiều nhà lãnh đạo các nền kinh tế chủ chốt đã đến Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời mời từ sớm. Không những nhận lời tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các nhà lãnh đạo còn nhận lời thăm Việt Nam. Vì chúng ta không tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Thủ đô Hà Nội mà tại Đà Nẵng nên chỉ có khả năng đón tiếp được 4 lãnh đạo cấp cao thăm Việt Nam nhân dịp này. Trên thực tế, còn rất nhiều nhà lãnh đạo các nước khác ngỏ ý muốn nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 kết hợp thăm Việt Nam”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thêm.

Bài và ảnh: HOÀNG VŨ