Báo Quân đội nhân dân ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia kinh tế và bạn đọc xung quanh các sáng kiến này.
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Xác định đúng vấn đề thiết thực của thế giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghiệp hỗ trợ đang là hai chủ đề lớn và nóng đối với các nền kinh tế APEC. Tầm vóc của vấn đề bắt nguồn từ sự thay đổi thời đại công nghệ và sự dịch chuyển cấu trúc kinh tế toàn cầu mà APEC chính là vùng "trọng tâm" của hai quá trình đó. Giải quyết hai vấn đề này chính là giải quyết được vấn đề trọng tâm của kết nối phát triển trong thời đại kinh tế số của APEC.
Việc Việt Nam đề xuất thảo luận hai chủ đề này từ ý tưởng của Bộ Công Thương trong chương trình nghị sự APEC 2017 được tất cả thành viên APEC ủng hộ. Nó chứng tỏ cả tầm nhìn lẫn sự nhạy bén của Việt Nam khi xác định các vấn đề chiến lược đặt ra cho APEC. Nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã làm nhiều việc để triển khai hai hướng hoạt động này trong nền kinh tế ở Việt Nam. Thương mại điện tử đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng nhưng công nghiệp hỗ trợ thì còn nhiều chuyện ngổn ngang nên việc chủ động đưa hai vấn đề này ra APEC 2017 là rất thiết thực, đúng logic thời đại và với tầm nhìn liên kết, hội nhập toàn cầu.
THÁI BÌNH (ghi)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam trong chống bảo hộ thương mại
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Với vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục xác định đẩy nhanh tiến trình hoàn thành "Mục tiêu Bogor" về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, đồng thời nỗ lực giải quyết các rào cản đối với thương mại, đầu tư; khắc phục xu hướng phản đối toàn cầu hóa và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới. Việt Nam đã tiếp tục nói lên tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ tự do của hệ thống thương mại toàn cầu. Các sáng kiến, như: Thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghiệp hỗ trợ, cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu... sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực. Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế trong các thành viên APEC cũng như toàn cầu.
NGUYỄN CƯỜNG (ghi)
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Sáng kiến của Việt Nam phù hợp lợi ích các nước
APEC 2017 là kỳ họp trong một thế giới đầy biến động và trong xu thế tiếp tục hội nhập toàn cầu hóa. Nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục xu thế hội nhập toàn cầu hóa liên kết và hợp tác này là một xu thế tích cực. Theo tôi, đây là một thành tựu đáng ghi nhận, phù hợp với xu thế của thế giới, tức là xây dựng các chuỗi liên kết. Hiện nay, người ta không còn sản xuất các sản phẩm trong cùng một nước, mà sản xuất ở các nước và họ phối hợp với nhau để tạo thành một sản phẩm cuối cùng. Những sáng kiến của Việt Nam phù hợp với lợi ích các nước. Vì vậy, được các nước tham gia hoan nghênh. Ngay cả có nước có thể rút ra khỏi TPP nhưng họ vẫn tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để có được những sáng kiến này, không thể phủ nhận vai trò của Việt Nam khi nắm vững các yếu tố liên kết và thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng hợp tác trong APEC.
THÁI CƯỜNG (ghi)
TS Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao): Đề xuất nhiều sáng kiến được cộng đồng ủng hộ là thành công lớn
APEC từ lâu được biết đến và rất nổi tiếng với khái niệm là vườn ươm của ý tưởng về liên kết hợp tác, thúc đẩy tự do hóa thương mại, dỡ bỏ các rào cản. Lần này, Việt Nam có khá nhiều sáng kiến. Tôi cho rằng, sáng kiến đáng chú ý nhất là chúng ta đưa ra việc đối thoại nhiều bên để xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Chúng ta nhấn mạnh “phát triển bao trùm”. Chữ bao trùm ở đây có nghĩa là người dân sẽ được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại trong quá trình đó, phát triển là đồng đều bao trùm tất cả lĩnh vực, kinh tế, tài chính thương mại. Đây là lần đầu tiên APEC làm được điều này. Một loạt sáng kiến của ta được các nước ủng hộ rất tốt. Các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, lao động trong kỷ nguyên số hoặc tầm nhìn sau Bogor là những cái mới cùng việc kế thừa cái đan xen tạo ra một chỉnh thể thống nhất. Đó chính là thành công của APEC từ trước tới nay.
Đưa ra ý tưởng không phải là việc dễ dàng, trong thảo luận các nhóm, các nền kinh tế thành viên, không phải ai cũng đồng ý. Trong nền kinh tế APEC, có nền kinh tế lớn, nền kinh tế nhỏ. Có ý tưởng đưa ra hay thật, nhưng có những cái mà chúng ta đưa ra các nước lớn trải qua đã lâu. Việt Nam đã có sự chủ động từ khâu tổ chức, khâu soát ý tưởng, xây dựng văn kiện, tham vấn tích cực với các nước, nên những vấn đề phức tạp nảy sinh đều được khắc phục.
DƯƠNG SAO (ghi)
Ông Nguyễn Như Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH Anh Luân (TP Hồ Chí Minh): Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ thêm nhiều cơ hội mới
Khi đăng ký tham dự APEC 2017, ban đầu chính tôi cũng mơ hồ chưa biết nó có gì lợi cho mình không. Nhưng khi đến đây, tôi đã nhận ra nhiều cơ hội, nhiều điều rất hay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các sáng kiến về thúc đẩy tự do thương mại, xóa bỏ rào cản, giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do Việt Nam đề xuất theo tôi cực kỳ hữu ích cả với doanh nghiệp Việt Nam và các nền kinh tế khác. Việt Nam cần tận dụng cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tiến nhanh hơn. Chắc chắn những ý tưởng đó được triển khai thì các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như chúng tôi cũng có nhiều cơ hội và đối tác hơn. Tôi tin tưởng và đồng tình với ý kiến của một chuyên gia kinh tế, với tiềm năng, nguồn nhân lực của Việt Nam như hiện nay, nếu có thêm những quyết sách đúng, chúng ta sẽ phát triển gấp nhiều lần.
ĐỨC MINH (ghi)