Ra đời vào năm 1989, trong 28 năm tồn tại, APEC đã trở thành một diễn đàn hợp tác kinh tế thuộc loại lớn nhất thế giới với quy mô và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng. Chỉ cần điểm danh một số nền kinh tế thành viên như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Canada, Australia, Đài Bắc (Trung Hoa), Hồng Công (Trung Quốc), Mexico, Chile… cũng đủ thấy APEC chiếm vị trí quan trọng tới nhường nào đối với thế giới và với nước ta.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, tháng 5-2017. Ảnh: TRỌNG HẢI
Trong công cuộc đổi mới về mọi mặt, Đảng và Nhà nước ta chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế vì sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội trong nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Thể theo quyết sách đó, năm 1995, nước ta đã gia nhập ASEAN, năm 1996 gia nhập Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM). Việc gia nhập APEC vào năm 1998 chính là bước logic tiếp theo. Đó là một bậc thang quan trọng để nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006. Vả lại, nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương - một khu vực trọng yếu và phát triển năng động hàng đầu thế giới, nước ta không thể đứng ngoài. Hơn thế nữa, các nền kinh tế thành viên của APEC là những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm tới 75% kim ngạch thương mại, 78% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 38% giá trị viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài tới thăm Việt Nam.
Tham gia APEC, nước ta luôn luôn phát huy vai trò tích cực, chủ động, đề xuất nhiều chủ trương quan trọng như tổ chức hội nghị quan chức cao cấp kiểm điểm việc thực hiện quá trình giảm thuế, ứng phó với rủi ro thiên tai, phát triển hạ tầng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm an ninh lương thực, tiến tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)…
Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta đã thực hiện rất thành công vai trò chủ nhà APEC 2006, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế. Khi đó, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại, giảm thuế quan và Tuyên bố về chương trình nghị sự thúc đẩy đàm phán tự do hóa thương mại trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (được gọi là Vòng đàm phán Doha). Bên cạnh đó, theo sáng kiến của nước ta, APEC 2006 đã chỉ rõ triển vọng về việc hình thành FTAAP, thúc đẩy quá trình cải cách hoạt động của diễn đàn, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn trong khu vực. Với nội dung phong phú và sự tổ chức chu đáo, hoàn hảo, vai trò, uy tín của nước ta được nâng cao đáng kể; kim ngạch thương mại và lượng vốn đầu tư của nước ngoài đổ vào Việt Nam liên tục tăng, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu bùng phát năm 2008.
Lần thứ hai gánh vác nhiệm vụ chủ nhà APEC, nước ta sẽ có cơ hội đóng góp thiết thực vào việc phát triển diễn đàn, làm cho nó mang tính thực chất và có hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, sự tranh chấp kinh tế-thương mại có chiều hướng nóng lên. Việc tổ chức thành công các hoạt động của diễn đàn càng nâng cao hơn nữa vị thế của nước ta trên trường quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác mọi mặt với các nền kinh tế thành viên, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Một kỳ vọng nữa không kém phần quan trọng là thông qua nhiều hoạt động trải dài trong cả năm, ở nhiều địa phương, Việt Nam có một cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh đất nước như một quốc gia yên bình, thân thiện, giàu tiềm năng, tích cực hội nhập với thế giới.
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC 2017 sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm (với hàm ý là gắn kết các lĩnh vực với nhau); đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực một cách sâu rộng hơn; nâng cao năng lực cạnh tranh và sự sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
Hoạt động đối ngoại nào cũng nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và thành công của hoạt động đối ngoại nào cũng tùy thuộc đáng kể vào sự quan tâm, đóng góp của người dân. APEC 2017 không phải là ngoại lệ. Mỗi người chúng ta cần quan tâm theo dõi tiến trình APEC Việt Nam 2017, tận dụng những cơ hội nó đem lại và đóng góp cho thành công của sự kiện đối ngoại quan trọng bậc nhất trong năm nay của đất nước.
VŨ KHOAN, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ