Bốn văn kiện, nhiều sáng kiến thiết thực

Với chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung,” các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ cùng bàn thảo những vấn đề quan trọng, thiết thân, nhằm tạo “động lực mới” cho tăng trưởng bền vững và liên kết khu vực, từ đó “vun đắp tương lai chung” là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

leftcenterrightdel
Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao – kinh tế tại APEC 2017 

Nền tảng cho cuộc thảo luận đó là nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đã được thông qua, đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018​-2020 và Chương trình hành động về phát triển nông thôn​-đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng, đã được Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế thông qua để trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

Những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam đã được các thành viên APEC đồng thuận cao, tạo dấu ấn sâu đậm trong tiến trình hợp tác của APEC, chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư và thúc đẩy hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. 

Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vui mừng chia sẻ với các phóng viên trong nước và quốc tế rằng: “Chúng tôi không chỉ dừng trong việc đánh giá mục tiêu, kết quả đã đạt được trong mục tiêu Bogor 2020 mà còn tiếp tục thông qua các cơ chế, sáng kiến quan trọng để tiếp tục mục tiêu của Bogor sau 2020 và tiến xa hơn nữa”.

Đề xuất sáng kiến không dễ

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với những sáng kiến nền tảng trên, Tuần lễ Cấp cao APEC và đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng chắc chắn thành công tốt đẹp, khẳng định APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, có vai trò không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc, duy trì và phát huy vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là một động lực tăng trưởng, liên kết toàn cầu.

Đánh giá về những sáng kiến trên, Tiến sĩ Trần Việt Thái Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết: APEC từ lâu đã được biết đến và rất nổi tiếng với khái niệm đây là vườn ươm của ý tưởng. Kể từ khi ra đời từ năm 1989 tới nay có thể nói là APEC đã đưa ra rất nhiều ý tưởng về liên kết hợp tác, thúc đẩy tự do hóa thương mại, dỡ bỏ các rào cản. Trong đó có các ý tưởng về các mục tiêu Bogor thành 3 trụ cột, cũng như các hợp tác về kinh tế kỹ thuật có thể nói là những ý tưởng rất có giá trị. Tuy APEC là một diễn đàn không chính thức, không bắt buộc và tự nguyện giữa các thành viên  nhưng những ý tưởng này đã góp phần quan trọng vì hầu hết cam kết các kết quả họp của APEC khi đã được thông qua về cơ bản đều được triển khai và ít hay nhiều đều có tác động sâu sắc đến nền kinh tế khu vực, tới các xu hướng phát triển ở khu vực”.

TS Trần Việt Thái đánh giá, Việt Nam chúng ta có khá nhiều sáng kiến mà sáng kiến đáng chú nhất là chúng ta đưa ra việc đối thoại nhiều bên để xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Một sáng kiến khác chúng ta nhấn mạnh là phát triển bao trùm. Chữ “bao trùm” ở đây có nghĩa là người dân sẽ được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại trong quá trình đó, phát triển là đồng đều bao trùm trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, tài chính thương mại. Vừa rồi chúng ta đã tổ chức được các diễn đàn và gắn kết được các thành tố của các khía cạnh bao trùm. Phải nói đây là lần đầu tiên APEC làm được cái này”.

“Trong APEC không bắt buộc, tham gia hay không là tự nguyện nhưng việc chúng ta tham gia, đưa ra những ý tưởng để nó dần dần định hình nên nhận thức, dần dần định hình nên những hợp tác và nó góp phần quan trọng xây dựng hòa bình ổn định cũng như những phát triển thịnh vượng trong khu vực”, TS Trần Việt Thái đánh giá.

Song vẫn theo TS Thái, việc đưa ra sáng kiến ở APEC tưởng đơn giản nhưng mà không hề đơn giản bởi vì dư địa càng về sau này càng khó, nền kinh tế của mình lại phát triển thấp hơn so với nền kinh tế thành viên do vậy cần sự dung hòa tổng thể. Mục tiêu Bogor vẫn được chúng ta tiếp nối và nhấn mạnh là rất đúng. Cái thứ 2 là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hay lao động trong kỷ nguyên số, ứng phó với biến đổi khí hậu, cách mạng số… đều rất thiết thực. Cái mới và cái cũ đan xen tạo ra một chỉnh thể thống nhất, tạo ra thành công của APEC từ trước tới nay.

“Cái khó về nội dung điều phối, xây dựng được một văn kiện tốt cực kỳ khó khăn. Việt Nam đã khá chủ động, ngay từ rất sớm đã có sự chủ động từ khâu tổ chức, khâu soát ý tưởng, xây dựng văn kiện, tham vấn khá chủ động tích cực với các nước. Cho nên các cuộc họp tương đối tốt, khá trơn chu mặc dù không phải không có vấn đề nhưng mà những cái vấn đề phức tạp nảy sinh chúng ta đều khắc phục được”, TS Trần Việt Thái nói.

Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới – một điểm nhấn thành công

Đây là văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Nó bắt nguồn từ sáng kiến của Bộ Công Thương Việt Nam. Nhận thấy vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử (TMĐT) thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt TMĐT thành một trong những trọng tâm lớn của Chương trình nghị sự. Việc ra đời Khung thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới kèm theo sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp TMĐT hàng đầu thế giới (Alibaba, Facebook...) tại Việt Nam ở APEC 2017 đã cho thấy tầm quan trọng của TMĐT cả từ góc nhìn chính sách cũng như kinh doanh.

leftcenterrightdel

Thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng phát triển. 

Đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt gần 2.000 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 35,9% doanh thu TMĐT xuyên biên giới. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020. TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.

Tại APEC 2017, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng sáng kiến về Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC với 5 trụ cột làm việc như sau: Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý TMĐT của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực; tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới; thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC; thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực; giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong TMĐT xuyên biên giới. 

Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC.

Nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp đến... bà nội trợ

Để có được đề xuất đó, trong suốt những năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung, kiên trì xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng TMĐT ở Việt Nam. Từ các nghị định, thông tư về TMĐT cho đến các Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT theo từng giai đoạn 5 năm; hình thành nên một hệ thống chính sách xuyên suốt và nhất quán.

Thị trường TMĐT Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập TMĐT trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực. Hoạt động kinh doanh và mua sắm trên môi trường mạng đang trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội.

Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển TMĐT do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ đô la Mỹ và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Nhìn rộng hơn ra bối cảnh nền kinh tế số và những chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TMĐT là phương tiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số doanh nghiệp cả nước (hơn 90%) nên TMĐT và công nghệ số đang mở ra cơ hội cho họ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn.

Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cũng đánh giá cao việc APEC lần này thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia, đây là số lượng đăng ký lớn nhất từ trước đến nay.  Đây là cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ mới. Ví dụ Uber, Grab không sở hữu chiếc taxi nào nhưng mỗi năm vẫn kiếm lợi nhuận hàng tỷ USD. Những công nghệ mới này rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tiến nhanh hơn.Với tiềm năng, nguồn nhân lực của Việt Nam như hiện nay, nếu có quyết sách đúng, chúng ta có thể phát triển gấp 10 lần.

Những công chức hay người lao động bình dân có thể tận dụng thế mạnh của công nghệ và internet để tham gia mua bán hàng hóa ở bất cứ nơi đâu, có thể làm thêm ngoài giờ để cải thiện cuộc sống.

Tỷ phú Jack Ma (Mã Vân) - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, cổng thông tin thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - trong buổi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và buổi giao lưu với giới trẻ Việt Nam đều nhận định tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn. Ông nói: “Tôi có niềm tin rằng Internet và thương mại điện tử sẽ là tương lai của nền kinh tế. Bạn cần chọn đúng người, đúng thời điểm và sẵn sàng chuẩn bị cho 10 năm tới và hãy tin tưởng vào tương lai. Đất nước này có 95 triệu dân nhưng chỉ 4 triệu người mua bán trên mạng. Đó chính là cơ hội để bạn thực hiện”.

MINH HƯNG