Theo ông Hoàng Văn Dũng, kinh tế thế giới và khu vực đang dần được phục hồi. Chủ tịch ABAC 2017 dẫn số liệu dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết GDP toàn cầu sẽ tăng 3,7% trong năm 2018 so với mức 3% của năm 2016 và các dòng chảy thương mại cũng đang phục hồi. Tuy nhiên, vì quá trình phục hồi này đã và đang tiêu tốn nhiều thời gian kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nên điều cần thiết hiện nay là phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực để bảo đảm châu Á-Thái Bình Dương không bị “mất đà”. “Điều đó có nghĩa là cần có hành động mạnh mẽ hơn đối với việc đẩy mạnh cải cách cấu trúc nhằm tăng năng suất, tiền lương, nâng cao trình độ của người lao động, đồng thời thực thi các chính sách phù hợp giúp người dân và doanh nghiệp có thể thích ứng với một thế giới ngày càng toàn cầu hóa”, ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch ABAC 2017 cho biết, trong cuộc Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với ABAC vào ngày 10-11 tới đây, đại diện cấp cao các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương sẽ trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC bản báo cáo thường niên, trong đó nhấn mạnh tới tiềm năng phát triển của nền kinh tế số. “Các cộng đồng của chúng ta ở mọi giai đoạn phát triển đều có thể được hưởng lợi nhiều từ cuộc cách mạng số. Nhưng chúng ta không được để “khoảng cách số” khiến những người dễ bị tổn thương bị bỏ lại phía sau”, ông Hoàng Văn Dũng nhận xét.

leftcenterrightdel
Đại diện ABAC tại cuộc họp báo chiều tối 6-11. Ảnh: NGUYỄN HỒNG 

Báo cáo cũng nhấn mạnh tới “sự cấp bách” phải tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia rộng rãi hơn vào nền kinh tế cũng như phải giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các hoạt động thương mại.

Ông Hoàng Văn Dũng cho biết, báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tiếp tục đẩy mạnh cải cách cấu trúc và thương mại, trong đó tập trung lãnh đạo thúc đẩy tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. “Điều này đồng nghĩa với việc thúc đẩy cải cách cấu trúc và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, khuyến khích đầu tư xuyên biên giới và duy trì cam kết hiện thực hóa một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Chúng ta cần hợp tác với các chính phủ để làm rõ những lợi ích thực sự của toàn cầu hóa cũng như tìm kiếm thêm các giải pháp ứng phó hiệu quả với những thay đổi. Các thành viên ABAC mong chờ đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Chỉ thông qua sự hiểu biết đầy đủ về lợi ích của tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như sự chung tay giữa cộng đồng doanh nghiệp và các chính phủ, chúng ta mới cùng nhau phát huy hết được tiềm năng to lớn của khu vực”, Chủ tịch ABAC 2017 khẳng định.

Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 4 của ABAC, chia sẻ với báo giới, bà Ro Hana Binti Mahmood, thành viên ABAC đến từ nền kinh tế Malaysia cho rằng, APEC nên khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn nữa do sự phát triển của internet cũng như lực lượng phụ nữ trẻ ngày càng trở nên năng động. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Allan Zeman, thành viên ABAC đến từ Hồng Công-Trung Quốc, các nền kinh tế thành viên APEC cần “mở hơn” để hướng tới tương lai và chỉ có như vậy mới có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Tiến sĩ Allan Zeman cũng cho rằng APEC cần có các chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số. “Các nhà đầu tư nên mạnh dạn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start- up). Các start-up có thể gặp những rủi ro, có thể thành công, nhưng trong thời đại kỷ nguyên số này thì chỉ có lực lượng doanh nghiệp trẻ, năng động, có nhiều ý tưởng sáng tạo như các start-up mới có thể tạo nên những bước phát triển kinh tế mang tính đột phá”, Tiến sĩ Allan Zeman khẳng định.

 ABAC hiện gồm 63 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu khu vực. Mỗi nền kinh tế thành viên được cử 3 đại diện. Các đại diện của Việt Nam tại ABAC ngoài ông Hoàng Văn Dũng còn có ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) và ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Sovico Holdings. Hằng năm, ABAC đều tổ chức họp 4 lần, trong đó 3 kỳ họp đầu tiên diễn ra ở bên ngoài và kỳ họp cuối tại nền kinh tế chủ nhà APEC. Trong năm APEC 2017, ABAC đã tổ chức họp tại Thái Lan, Hàn Quốc, Canada và kỳ họp thứ 4 là ở Việt Nam.

VĂN YÊN, NGỌC HƯNG, TRỌNG HẢI, LÂM TOÀN