Tập trung “truyền năng lượng cho xã hội”
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 Vũ Tiến Lộc tin tưởng rằng “cỗ xe tam mã”: toàn cầu hóa tích hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng”, để “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, ngày đầu tiên của hội nghị đã tập trung thảo luận vào những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chia sẻ tại hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến quá trình toàn cầu hóa không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Để giải quyết các vấn đề này, cần phải tập trung vào việc “truyền năng lượng cho xã hội”. Cần phải có một sự chung tay giữa cả chính phủ và doanh nghiệp để đảm bảo sự tăng trưởng toàn cầu sẽ được lan tỏa đến rộng rãi các tầng lớp lao động.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc chào đón các đại biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017.
Các doanh nghiệp APEC đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam
* Ngày 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với nhóm các nhà đầu tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan…
Các nhà đầu tư đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, thể hiện qua sự thăng hạng về môi trường kinh doanh trong các xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB); đồng thời bày tỏ niềm tin, phấn khởi, khẳng định đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp và kể cả đầu tư mua cổ phần. Các nhà đầu tư quan tâm về các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam; cho rằng vẫn còn nhiều thủ tục, còn trở ngại, cần được cải thiện hơn nữa. Các nhà đầu tư đã đưa một số khuyến nghị đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như phát triển các loại năng lượng sạch, xu thế của tương lai; đề nghị tạo thuận lợi cho hợp tác phát triển du lịch khi mà hình ảnh Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt bạn bè, du khách quốc tế với nhiều danh lam thắng cảnh. Cùng với đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, muốn vậy cần chú trọng tới tầng lớp thanh niên, các doanh nghiệp trẻ - họ là tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Lắng nghe, ghi nhận ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng hoan nghênh thiện chí của các nhà đầu tư và nhấn mạnh sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình hoạch định chính sách, Chính phủ Việt Nam lưu tâm ý kiến của các nhà đầu tư. Đối với một số vấn đề có thể xử lý được ngay, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết sớm như bãi bỏ các thủ tục, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam…
VĂN YÊN, NGỌC HƯNG, LÂM TOÀN, TRỌNG HẢI