Trước đây, Tiến sĩ Noeleen Heyzer, nguyên Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, chưa bao giờ có dịp đặt chân đến Đà Nẵng. Những thương hiệu riêng của thành phố này như “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường”, “thành phố phong cảnh châu Á”, bà chỉ được biết đến qua báo chí. Và Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 đã giúp bà có cơ hội được mục sở thị Đà Nẵng. “Thành phố biển này sạch và đẹp quá! Chắc chắn tôi sẽ trở lại đây nhiều lần nữa”, Tiến sĩ Noeleen Heyzer chia sẻ cảm xúc của bản thân.

Trong khi đó, với anh Kasyanenko Vladislav Olegovich, đại diện đoàn Nga tham dự Diễn đàn Tiếng nói Tương lai APEC 2017, thì danh tiếng “thành phố tổ chức lễ hội, sự kiện” dành cho Đà Nẵng quả là không sai. “Chọn Đà Nẵng làm địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp. Tôi xin chúc mừng các bạn đã tổ chức thành công sự kiện đối ngoại quan trọng này. Tôi tin chắc Đà Nẵng sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa sau APEC 2017”, anh Kasyanenko Vladislav Olegovich bày tỏ.

leftcenterrightdel
Phóng viên báo chí dùng bữa trưa miễn phí tại Trung tâm Báo chí Quốc tế. 

Người ta vẫn thường nói con đường ngắn nhất để đến trái tim là qua dạ dày. Có lẽ cũng vì vậy mà chẳng phải cần tới một cái gì đó thật hoành tráng, có khi chỉ một chiếc bánh cũng đủ để kéo bạn bè thế giới lại gần hơn với Việt Nam. Bánh mì Việt Nam từng khiến các trang web về du lịch hay ẩm thực thế giới “náo loạn”. Họ gọi bánh mì là “banh mi” theo kiểu viết tiếng Anh một cách say mê chứ không phải là “Vietnamese sandwich” hay bất kỳ phiên bản dịch tương đương nào khác. Và lần sang Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC này, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull không những được nếm thử món bánh mì trứ danh ấy mà còn có cơ hội được thưởng thức theo đúng chất ẩm thực đường phố. Chuyện là, sau khi đặt chân đến Đà Nẵng, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cùng đầu bếp nổi tiếng người Australia gốc Việt Luke Nguyễn dùng điểm tâm sáng với món bánh mì ngay tại một quán ăn vỉa hè. Dù không còn lạ lẫm với ẩm thực Việt Nam nhưng Thủ tướng Malcolm Turnbull lại chưa bao giờ được ăn cái món “banh mi” khiến biết bao du khách nước ngoài  phải “phát cuồng” ấy. “Người Australia ăn món ăn Việt Nam hằng ngày, và đây chính là một trong những đóng góp tích cực của gần 300.000 người Việt định cư ở Australia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức bánh mì! Tôi thực sự yêu thích vị tươi mới trong các món ăn Việt Nam”, Thủ tướng Malcolm Turnbull chia sẻ.

Nếu như bánh mì làm nức lòng Thủ tướng Malcolm Turnbull thì chị Deasy Kristianti, một cán bộ của Bộ Ngoại giao Indonesia không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của món phở cuốn chưa từng được thưởng thức ở bất kỳ nền ẩm thực nào trên thế giới. “Đây là món ăn mang đậm bản sắc Việt Nam. Các loại rau được cuốn kèm bên trong cùng với nước chấm tạo nên vị đặc biệt cho phở cuốn, chua cay có, mặn ngọt cũng có”, chị Deasy Kristianti háo hức kể.

Đối với bất kỳ sự kiện nào, công tác bảo đảm an ninh, an toàn luôn được đề cao, nhất là với một sự kiện lớn như Tuần lễ Cấp cao APEC. “An ninh được nền kinh tế chủ nhà Việt Nam thắt chặt nên chúng tôi cảm thấy yên tâm để tác nghiệp. Điều đáng nói là công tác an ninh được thắt chặt như vậy lại không hề khiến việc tác nghiệp của chúng tôi bị hạn chế mà trái lại chúng tôi thấy khá thoải mái”, phóng viên Ivan Bayagau của hãng tin NBC (Hoa Kỳ) nhận xét khi tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế.

Tiếp theo sau Việt  Nam, Papua New Guinea sẽ đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC 2018. Đến Đà Nẵng tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 2017, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Rimbink Pato của Papua New Ghinea muốn nhân cơ hội này học hỏi kinh nghiệm tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại lớn của Việt Nam. Đặc biệt, đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai APEC. “Chúng tôi lần đầu tiên đăng cai APEC nên cần tham khảo kinh nghiệm của các nền kinh tế chủ nhà đi trước. Việt Nam các bạn đã 2 lần đăng cai APEC, được quốc tế đánh giá rất cao nên chúng tôi rất mong học hỏi được kinh nghiệm của các bạn. Chúng tôi cũng ngưỡng mộ thành tựu phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đạt được thời gian qua. Papua New Guinea luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam trong các lĩnh vực  như nông nghiệp, nghề cá, du lịch”, Bộ trưởng Rimbink Pato chia sẻ.

Bài và ảnh: YÊN HƯNG - HẢI TOÀN