Trong một bài viết, tờ Washington Times của Mỹ bình luận trong hơn ba thập niên qua, kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới vào năm 1986 và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có bước chuyển mình, từ một quốc gia nghèo ở châu Á vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất với sự cải cách kinh tế sâu rộng.
Báo Bangkok Post của Thái Lan lại cho rằng nhân chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam có thể cho thấy sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Bangkok Post, tại Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Việt Nam sẽ có 4 mục tiêu chính. Thứ nhất, trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân túy gia tăng, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC để thúc đẩy tiến trình hợp tác trở nên hiệu quả hơn. Thứ hai, các nỗ lực nhằm giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường tự do hóa đầu tư phải được tiếp tục, trong bối cảnh APEC đang bước vào thập niên phát triển thứ tư. Thứ ba, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương nhằm mở rộng hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Cuối cùng, Đà Nẵng được xem là thành phố cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam, và sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai.
Hình ảnh Năm APEC Việt Nam 2017 xuất hiện trên tờ Bangkok Post.
Trong khi đó, nhật báo
Kampuchea Thmey của Campuchia nhận định Năm APEC 2017 là cơ hội rất quan trọng để khẳng định tầm ảnh hưởng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kampuchea Thmey nhận định sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với Năm APEC 2017 là đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy được “sức mạnh mềm", thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của thành viên diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ Japan Times của Nhật Bản còn đăng bài viết “APEC VIỆT NAM 2017 - tiếp nối chặng đường 30 năm đổi mới” của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. Bài viết khẳng định, với hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, Việt Nam đã tổ chức các hội nghị APEC ở hầu hết các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Huế, Cần Thơ, Ninh Bình và Đà Nẵng v.v.. để giới thiệu với các nền kinh tế thành viên APEC về đất nước, con người cũng như các sản vật đặc sắc của đất nước nghìn năm văn hiến. Năm APEC 2017 đã để lại trong mắt bạn bè khu vực và quốc tế sự tôn trọng, lòng yêu mến và sự đánh giá cao tinh thần lao động nghiêm túc của nền kinh tế chủ nhà cả về công tác nội dung lẫn hậu cần xuyên suốt trong năm. Trong năm 2017, Việt Nam đã thể hiện vai trò là chủ nhà tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác APEC, giữ vững vị thế và hình ảnh của APEC luôn là diễn đàn đi đầu trong việc đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung cũng như của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
VĨNH AN (tổng hợp)