Hăng say, tích cực lao động sản xuất

 Trong quá trình hình thành, phát triển, Thái Bình là nơi hội tụ của nhiều luồng cư dân từ các nơi về đây khai phá vùng đất mới. Dưới các triều đại phong kiến, mảnh đất Thái Bình không chỉ là “kho lúa, kho của” của cả nước mà còn là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa của các con sông lớn, là hậu phương, là tiền tuyến quan trọng của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong lịch sử. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, người dân “Quê hương năm tấn” Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm với khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. 

Câu chuyện về tinh thần quả cảm vượt qua những trận bom Mỹ ác liệt, xả thân trên các công trường thủy lợi của nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận ở xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) đưa chúng tôi tới gặp bà. Sinh năm 1947 trong một gia đình nghèo, học xong cấp 2, hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" của Đoàn Thanh niên, Nguyễn Thị Mận xung phong tham gia đội dân công, vào Đội Thủy lợi Quang Trung, Trung đội Nữ dân quân sông Hồng của xã Vũ Vân. 

Với thân hình nhỏ bé, nặng chưa đầy 40kg lúc đó, nhưng mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ “Sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào Ðảng, nhân dân, Tổ quốc cần”, Nguyễn Thị Mận cùng 45 thành viên Đội Thủy lợi Quang Trung bền bỉ ngày đêm đào, vác đất trên khắp các công trường như sông Kiến Giang, sông Lân, tuyến đê sông Hồng, Trà Lý…

Năm 1964-1965, Ðế quốc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, đánh phá các đầu mối giao thông, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, các công trình thủy lợi... nhằm phá hoại sản xuất, ngăn chặn chi viện cho miền Nam. Giặc đánh phá đến đâu, các đội thủy lợi lại nhận nhiệm vụ đến đó để khắc phục hậu quả, gánh đất đắp lại đê, đào sông, khơi đìa phục vụ sản xuất.

Nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận (ngoài cùng, bên trái) trò chuyện cùng cán bộ xã Vũ Vân.

Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Mận bồi hồi nhớ lại: ''Có lần, đoạn đê sông Trà Lý bị bom Mỹ cày nát chiều dài 10m, rộng 3m có nguy cơ vỡ, nước tràn vào sẽ gây ngập lụt cho cả mấy huyện xung quanh. Anh em trong Đội Thủy lợi Quang Trung vẫn bất chấp tiếng máy bay gầm rú trên đầu, ngâm mình dưới nước suốt nhiều ngày đêm để hàn khẩu. Cả đội chúng tôi, ai cũng kiên định ý chí thi đua lao động, quyết tâm cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 

Chính ý chí kiên gan, không ngại hy sinh, gian khổ của Nguyễn Thị Mận cùng Đội Thủy lợi Quang Trung, Trung đội Nữ dân quân sông Hồng đã đưa dòng nước mát lành tưới cho những cánh đồng lúa, tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn đã đưa những cánh đồng lúa của xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư đạt năng suất 5 tấn/ha (trước đó năng suất lúa ở Vũ Vân chỉ đạt khoảng 2,5 - 3 tấn/ha). 

Những thành tích này của Nguyễn Thị Mận và các thành viên Đội Thủy lợi Quang Trung (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư), Trung đội Nữ dân quân sông Hồng, bà đã được tham dự và báo cáo thành tích tại Ðại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tại Hà Nội năm 1967. Từ việc dùng mai đào đất sang dùng kéo cắt, ván bo đẩy đất và đóng xe cút kít và xe ba gác để chở đất giúp tăng hiệu quả lao động thay cho gánh gồng vừa nặng nhọc lại không hiệu quả. Mỗi xe đất chất đầy 60 - 70kg, nặng gấp 6-7 lần vác nhưng đã giúp mọi người giải phóng sức nặng cho đôi vai.

Sáng kiến cải tiến công cụ của người nữ đội trưởng đã giúp năng suất lao động của Đội Thủy lợi Quang Trung tăng 350 - 400% so với dùng sức người trước đây. Sau đó, các đội thủy lợi trong tỉnh đồng loạt phát động phong trào thi đua học và làm theo Đội Thủy lợi Quang Trung, tích cực đào kênh, sông, đắp đê, khơi đìa phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966.

Không chỉ tham gia lao động làm thủy lợi, bà Nguyễn Thị Mận còn tham gia sản xuất lúa. Bà chia sẻ: “Giai đoạn đó, địch đánh phá ác liệt lắm, chúng tôi thường phải cấy đêm. Để lúa đạt năng suất thì không chỉ cần có nước mà phân bón cũng rất quan trọng. Ngày đó, phân bón hóa học (vô cơ) thì hiếm lắm nên chúng tôi chủ yếu nuôi bèo hoa dâu phân xanh để bón cho cây lúa (giảm chi phí, nhân công làm cỏ và cải tạo đất).

Nhờ những thành tích xuất sắc trong lao động, Nguyễn Thị Mận được công nhận chiến sĩ thi đua 2 năm liên tục, vinh dự đại diện cho đội đi dự, báo cáo điển hình tại Ðại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tại Hà Nội (ngày 1-1-1967). Cũng chính ngày này, bà nhận được hai vinh dự lớn nhất cuộc đời bà, đó là: Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi vừa tròn 20 tuổi và được gặp Bác Hồ.

''Tôi luôn nhớ lời dặn của Bác: Các cô, các chú được tuyên dương là anh hùng, phải nhận rõ rằng vinh dự đó là vinh dự chung của tập thể, chứ không chỉ là của riêng từng người. Nếu không có Đảng, không có nhân dân, không có tập thể thì mọi người không trở thành anh hùng được...Vì vậy, các anh hùng phải luôn luôn khiêm tốn, đoàn kết, không ngừng sản xuất, công tác và chiến đấu để tiến bộ mãi, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần cùng toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước''.

Ngay sau ngày được phong Anh hùng Lao động, bà Nguyễn Thị Mận lại trở về, tiếp tục cùng anh em dầm mình trên khắp các công trình thủy lợi của tỉnh. Với tinh thần lao động càng hăng say, trong 3 năm 1967 đến 1969, Đội Thủy lợi Quang Trung luôn là lá cờ đầu của tỉnh trong lĩnh vực thủy lợi, góp phần đưa năng suất lúa của huyện Vũ Thư nói riêng, Thái Bình nói chung dẫn đầu các địa phương miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, được Chính phủ tặng Cờ Thi đua luân lưu trong 3 năm liên tiếp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ riêng xã Vũ Vân đã đóng góp hơn 10.000 tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến.

Góp lúa để thắng giặc

Là tỉnh trọng điểm lúa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ - hậu phương trong hậu phương lớn, nên càng phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để đáp ứng được “nhu cầu lương thực của đời sống nhân dân và chi viện chiến trường...”, do đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình quyết tâm trong bất kỳ tình huống nào cũng phải đạt năng suất 5 tấn/ha được xác định trong Nghị quyết của Tỉnh ủy Thái Bình. Chính nhờ những chủ trương đúng đắn, sáng tạo này của Đảng bộ tỉnh Thái Bình, trong giai đoạn 1965-1968, Thái Bình đã đạt được những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất năm sau cao hơn năm trước bình quân 14%. 

Từ năm 1955 trở về trước, năng suất lúa của Thái Bình mới đạt trên dưới 3 tấn/ha, năm 1965 đạt 4 tấn/ha, năm 1966 đạt hơn 5 tấn/ha - ghi dấu mốc đầu tiên trong lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc; năm 1972, gần 6,2 tấn/ha; năm 1974 đạt hơn 7 tấn/ha. Đến năm 1974, toàn miền Bắc năng suất lúa bình quân mới đạt 5 tấn lúa/ha/năm, đặc biệt một số huyện đạt trên 8 tấn ha: Đông Hưng, Vũ Thư, Hưng Hà (Thái Bình), Đan Phượng (Hà Nội).

Cũng nhờ năng suất lúa liên tục tăng, tổng sản lượng lương thực của Thái Bình từ năm 1955 trở về trước mới chỉ đạt khoảng 300 nghìn tấn, năm 1965 là 407 nghìn tấn, năm 1974 lên 556 nghìn tấn. Mặc dù dân số của tỉnh thời kỳ này tăng khá nhanh, năm 1965 dân số tỉnh 1,2 triệu người, năm 1974 là 1,389 triệu người, năm 1975 là 1,4 triệu người. Thế nhưng lương thực bình quân đầu người của Thái Bình vẫn giữ được mức 300kg/năm, năm cao nhất 418kg (1959) và 443kg (1974). Không chỉ tăng sản lượng lúa, chăn nuôi lợn cũng phát triển mạnh, năm 1959 lên 252 nghìn con, năm 1971 đạt 437 nghìn con, năm 1975 lên 502 nghìn con.

Với kết quả sản xuất trên, Thái Bình đã làm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm mỗi năm một tăng. Năm 1965, huy động hơn 55 nghìn tấn lương thực, năm 1972, huy động 116 nghìn tấn lương thực, bình quân mỗi năm huy động từ 20 đến 22,5% tổng sản lượng lương thực của tỉnh (chủ yếu là thóc). Nhiều năm, gạo của Thái Bình được lệnh chuyển gấp vào chiến trường.  

Đặc biệt, trong giai đoạn 1965-1975, Nhà nước huy động từ Thái Bình trên 1 triệu tấn thóc, được Chính phủ đã gửi thư khen và công nhận: "Thái Bình dốc lòng chi viện tiền tuyến". Mặc dù diện tích canh tác tỉnh khi đó chỉ chiếm khoảng 5% của hậu phương miền Bắc, nhưng đã đóng góp từ 10-12% lương thực cho Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để hạt gạo quê lúa vươn xa

Hiện Thái Bình là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 155.000ha/năm, sản lượng lúa đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 40% sản lượng tiêu thụ tại tỉnh, 60% bán trong nước và xuất khẩu. Những năm gần đây, Thái Bình đạt năng suất lúa đều hơn 13 tấn/ha/năm (2 vụ), đây là năng suất cao so với mức trung bình cả nước, đây cũng là mức mà theo các chuyên gia về nông nghiệp sản lượng đã “kịch trần”. 

Nông dân huyện Đông Hưng thu hoạch lúa.

Nếu trước đây, Thái Bình chỉ tập trung vào tăng năng suất lúa để cung cấp lương thực cho người dân và phục vụ chi viện cho tiền tuyến thì từ hàng chục năm trở lại đây tỉnh tập trung vào cấy, gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Các giống lúa: Tám Xuân, Hom râu, nếp A Sào (huyện Quỳnh Phụ), gạo làng Giắng ( huyện Đông Hưng); Hương Cốm, nếp Bể làng Keo, ST 25, Bắc Thơm (huyện Vũ Thư); gạo chợ Gốc, gạo Rươi Hồng Tiến, nếp Tây Sơn (huyện Kiến Xương); Tám thơm, gạo Hoa cúc vàng, gạo T10 (huyện Tiền Hải)... Hiện nay, toàn tỉnh có 35 loại gạo đặc sản đã có nhãn hiệu trong đó nhiều loại đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, hiện đang được đề nghị xếp hạng 4 sao. Đặc biệt, gạo nếp A Sào, gạo TBR39 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã đạt giải nhất Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022.

Đưa chúng tôi thăm cánh đồng lúa xanh mướt đương thì con gái - người nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận không khỏi bùi ngùi xúc động. Bà bảo: “Lúc đó, chúng tôi chỉ tâm niệm rằng phải làm thủy lợi đưa nước về đồng ruộng, bảo vệ được đê điều ngăn lũ lụt để sản xuất ra lúa gạo vì làm thủy lợi, sản xuất lúa gạo cũng là đánh giặc chỉ đơn giản thế”. Với chúng tôi, những người thế hệ sau thì hiểu rằng để có những cánh đồng xanh mướt này biết bao mồ hôi, công sức cả sự hy sinh mất mát của người dân nơi đây để có được hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh phục vụ tưới tiêu, giúp cây lúa phát triển tốt trong đó có công sức của người nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận.

Thái Bình - quê hương năm tấn năm xưa giờ đây sẽ tiếp tục chuyển mình để hòa chung vào vận hội mới của dân tộc với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phồn thịnh.

Bài, ảnh NGUYỄN KIỂM - HỒNG SÁNG 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.