Sự kiên cường của quân và dân nơi vùng đất “Chín Rồng” đã giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, làm nên một phần quan trọng trong bản hùng ca Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, được mệnh danh là "Hòn ngọc giữa đại dương" nhờ vẻ đẹp tự nhiên và nhiều sản vật quý giá. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, hòn đảo thơ mộng này lại là địa ngục trần gian của những người chiến sĩ cộng sản. Bởi hơn nửa thế kỷ trước, thực dân, đế quốc đã cho xây dựng một nhà tù, nơi giam giữ hàng chục nghìn đồng bào yêu nước với những hình thức tra tấn vô cùng dã man…

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy Phú Quốc không phải là nơi diễn ra những trận đánh quy mô lớn, nhưng với vị trí chiến lược, nơi đây cũng là một trong những điểm nóng đối đầu giữa ta và địch.

Tháng 4-1975, khi những cánh quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì ở một mặt trận xa hơn - nơi đảo tiền tiêu, quân và dân Phú Quốc cũng đồng lòng nổi dậy, chớp lấy thời cơ, đẩy mạnh tấn công tiêu diệt đồn bốt và các cơ quan ngụy quyền trên đảo.

Cựu chiến binh Nghiêm Văn Thành, nguyên Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân Phú Quốc kể lại những thời khắc chiến đấu giải phóng đảo.

Theo cựu chiến binh (CCB) Nghiêm Văn Thành, nguyên Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân Phú Quốc, đây là một cuộc chiến không cân sức, bởi lực lượng cách mạng tại chỗ còn mỏng, vũ khí thô sơ, trong khi quân ngụy vẫn còn đông và được trang bị hiện đại.

Theo CCB Nghiêm Văn Thành: “Địch lớn mạnh hơn mình gấp 15 lần, ngoài vùng biển có tàu hải quân; mình chỉ có một đại đội thiếu, không tới 100 quân, có lúc 60, 70, 80 là nhiều. Bởi vậy nên cách đánh của mình không phải đánh tập trung mà đánh lẻ. Phương châm của mình là lấy yếu đánh mạnh, lấy ít đánh nhiều, đánh gọn, đánh nhanh, rút nhanh, lấy vũ khí địch bổ sung vào lực lượng của ta".

Dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng quyết tâm giải phóng của quân dân Phú Quốc vẫn không hề lay chuyển. Lực lượng chiến đấu đã kiên trì bám trụ, tổ chức hàng chục trận đánh nhỏ lẻ nhưng hiệu quả, làm rối loạn tinh thần địch. Sáng 30- 4-1975, khi chính quyền ngụy tại Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, địch trên đảo hoang mang tột độ. Nhận thấy thời cơ đã đến, lực lượng vũ trang cùng các mũi chính trị, binh vận đồng loạt nổi dậy, khí thế đấu tranh bùng lên áp đảo, làm tan rã nhanh chóng hệ thống ngụy quân, ngụy quyền trên đảo.

"Thời khắc giải phóng, bà con ta vui mừng vỗ tay hoan nghênh, rồi cờ của giải phóng bên xanh, bên đỏ đứng hai bên phất chào Quân giải phóng", CCB Nghiêm Văn Thành nhớ lại.

Sau những năm tháng chiến tranh, Phú Quốc hôm nay đã trở thành "hòn đảo thiên đường" thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách đến tham quan.

Trong khi đảo Phú Quốc được giải phóng, thì ở đảo Thổ Chu, một bi kịch khác đã xảy ra. Lợi dụng thời điểm ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, lực lượng cách mạng chưa kịp tiếp quản, quân Khmer Đỏ đã bất ngờ tấn công chiếm đảo, bắt cóc và giết hại hàng trăm người dân vô tội… Thổ Chu - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc một lần nữa bị giày xéo bởi cuộc xâm lăng tàn bạo của thế lực ngoại bang, nơi máu và nước mắt của đồng bào đã đổ, tiếng khóc oan khuất vẫn còn vang vọng giữa trùng khơi...

Trước tình hình nguy cấp, Bộ Quốc phòng và Quân khu 9 lập tức lên kế hoạch giải phóng đảo Thổ Chu. Ngay sau đó, một cuộc hành quân thần tốc ra biển được triển khai với sự tham gia tác chiến của các lực lượng tinh nhuệ gồm: Trung đoàn 1, Trung đoàn 195 của Quân khu 9, cùng các lực lượng Hải quân, Không quân, Đặc công của Bộ Quốc phòng và một đại đội địa phương quân Phú Quốc, đặt dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đệ, Tư lệnh chiến dịch.

Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 kể: "Lúc đó tôi còn nhớ công điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là các đồng chí Quân khu 9 phải nhanh chóng tổ chức lực lượng ra đánh chiếm lại Thổ Chu, sẽ có sự chi viện Hải quân đổ bộ và Không quân ủng hộ các đồng chí. Quân khu 9 thành lập sở chỉ huy tiền phương đặt tại Phú Quốc rồi bắt đầu lần lượt đưa quân ra".

 Du khách thích thú tham quan Suối Tranh - điểm du lịch hấp dẫn tại đảo ngọc Phú Quốc.

Rạng sáng 23-5-1975, Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195 và bộ đội địa phương Phú Quốc, cùng với các phân đội binh chủng, chia làm 2 mũi tấn công lên đảo Thổ Chu. Với cách đánh thần tốc, táo bạo và bất ngờ, các mũi tiến công đã tạo thế gọng kìm vững chắc, đồng loạt đánh thẳng vào các vị trí trọng yếu của địch. Sau 3 ngày chiến đấu quyết liệt, ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị và làm chủ hoàn toàn đảo Thổ Chu.

Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, biển, đảo Tây Nam đã từng bước vươn mình mạnh mẽ, chuyển mình từ một vùng đất gian khó thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và quốc phòng, an ninh của cả nước. Đặc biệt là đảo Phú Quốc, từ một hòn đảo hoang sơ, nay đã trở thành “đảo ngọc” - trung tâm du lịch nghỉ dưỡng mang tầm khu vực, với hệ thống hạ tầng hiện đại, sân bay quốc tế, cảng biển, khu đô thị, dịch vụ cùng hàng loạt công trình mang dấu ấn hội nhập và phát triển.

Nhưng hơn hết, sự thay da đổi thịt ấy còn là minh chứng cho ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, nỗ lực không ngừng của quân và dân nơi đây trong hành trình khẳng định vị thế, giữ vững chủ quyền và xây dựng một tương lai phồn vinh trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Vùng 5 Hải quân chia sẻ: "Chúng tôi, thế hệ hôm nay luôn ra sức học tập, nghiên cứu nắm chắc tình hình nhiệm vụ, đối tác, đối tượng, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không ngừng phát huy sức mạnh tổng hợp, trình độ, khả năng làm chủ vũ khí trang bị. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, chú trọng công tác phối hợp hiệp đồng với các lực lượng đơn vị bạn, nhất là trong diễn tập, diễn tập đối kháng, góp phần quan trọng cùng với các lực lượng trên địa bàn Tây Nam Bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới".

Nửa thế kỷ trôi qua, từng tấc đảo, từng dải sóng nơi vùng biển Tây Nam là chứng nhân cho tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường của quân và dân ta trong hành trình bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến thắng không chỉ góp phần hoàn tất sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn khẳng định chủ quyền vững chắc của Việt Nam trên vùng biển, đảo phía Tây Nam.

Hôm nay, giữa một vùng biển, đảo bình yên, giữa nhịp sống mới rộn ràng, chúng ta càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình được đánh đổi bằng bao hy sinh thầm lặng. Để từ đó, giữ vững niềm tin, tiếp tục dựng xây và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.

Bài, ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.