Quá trình nghiên cứu, nhóm cán bộ Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu của Quân chủng Phòng không-Không quân phát hiện một hiện tượng đặc biệt, đó là trong các loại radar ta đang sử dụng, có một loại mà B-52 không phát hiện được. Cuối năm 1971, tổ cán bộ nghiên cứu đã đề xuất dùng loại radar không bị B-52 gây nhiễu ghép với đài điều khiển tên lửa tạo ra bộ khí tài mới, ký hiệu là KX. Đầu năm 1972, bộ khí tài KX đưa vào thử nghiệm đã chỉ chính xác mục tiêu, giúp đài điều khiển tên lửa phát hiện máy bay B-52 để tiêu diệt.

leftcenterrightdel
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 năm 1972. 

Để xác định độ tin cậy của khí tài KX, ngày 19-11-1972, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức trình diễn ở Tiểu đoàn 79, Trung đoàn Tên lửa 257 (Sư đoàn 361). Sau 2 giờ theo dõi hoạt động, bộ khí tài KX đã cho thấy khả năng chỉ chuẩn mục tiêu tốt, giúp đài điều khiển tên lửa phát hiện B-52 để tiêu diệt chúng. Đây là thành tựu quan trọng về nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự của Quân đội ta lúc bấy giờ.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Kiên, nguyên sĩ quan điều khiển, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 cho biết: "Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Tiểu đoàn 57 sử dụng khí tài KX chiến đấu, phối hợp với các lực lượng phòng không 3 thứ quân bắn rơi 4 "pháo đài bay" B-52 và là một trong hai tiểu đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất trong chiến dịch. Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 257 cũng sử dụng khí tài này và đã bắn rơi B-52".

SƠN MINH