Những năm đầu chống thực dân Pháp, vùng đất này trở thành căn cứ cách mạng nổi danh với truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Chiến đấu với một đội quân thực dân khét tiếng và bộ máy tay sai hung ác, quân và dân miền Đông đã tiến hành những trận đánh oai hùng như: Trung Hưng-Ràng, Đất Cuốc, Đồng Xoài, La Ngà-Định Quán... góp phần tạo ra bão táp cách mạng, cùng nhân dân cả nước "chia lửa" với Điện Biên, giành thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Đông Nam Bộ là chiến trường lớn. Trải qua những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt, hy sinh gian khổ không kể xiết, quân và dân miền Đông đã tiến hành những trận đánh oanh liệt, lập những chiến công chói lọi như: Tua Hai, Bình Giã, Đồng Xoài, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phước Long, tòa Đại sứ quán Mỹ, khách sạn Caravelle, khách sạn Victoria, kho xăng Nhà Bè, sân bay Tân Sơn Nhất, kho bom Thành Tuy Hạ… Với chiến thắng của các chiến dịch: Bắc Tây Ninh đánh bại cuộc hành quân mang tên Junction City của đế quốc Mỹ; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh vào các sào huyệt của Mỹ-ngụy ở miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mảnh đất miền Đông và cả miền Nam đã hoàn thành chặng đường dài “đi trước về sau” đầy hy sinh gian khổ và chiến thắng vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
 |
Thành phố mới Bình Dương - đô thị hiện đại được xây dựng ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Ảnh: DUY TÌNH |
Sau ngày 30-4-1975, vùng đất yêu thương với Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Thuận, Long An, Lâm Đồng nhanh chóng củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng, hàn gắn vết thương chiến tranh, chung sức đồng lòng cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Nổi bật nhất khu vực miền Đông Nam Bộ là TP Hồ Chí Minh. Trên con đường phát triển của mình, Thành phố mang tên Bác luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có lúc phải dấn thân để “xé rào” sửa đổi các chính sách lỗi thời, “bung ra” các giải pháp táo bạo chưa có tiền lệ để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đó đã tạo ra sức bật mới trong sự đổi mới toàn diện của đất nước và đổi mới, phát triển của chính mình. Sự năng động, sáng tạo ấy gắn liền với tên tuổi của các đồng chí lãnh đạo thành phố và của đất nước như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang…
TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, là trung tâm tài chính-thương mại-dịch vụ-quan hệ kinh tế quốc tế của đất nước. Thành phố có sức hút đầu tư rất lớn và có nhiều khu chế xuất-khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện đại, như: Tân Thuận, Linh Trung, Tân Tạo, Tân Bình, Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, Bình Chiểu, Đa Phước, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao quận 9... Những năm qua, thành phố luôn đóng góp ở mức 22% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có chương trình hợp tác phát triển với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát biểu trong buổi gặp gỡ báo chí đầu Xuân Canh Tý 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nói rằng: “Để phát triển và hội nhập hơn nữa, thành phố xác định có 4 nhóm, gồm: Nguồn lực, động lực kinh tế, động lực chính trị và khâu đột phá về những lĩnh vực còn gặp tắc nghẽn. Những khâu đột phá tập trung vào: Đổi mới thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa. Bên cạnh đó cần tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực”.
Nằm ở trung tâm của miền Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương nổi lên như một "nàng tiên vừa thức dậy". Bằng những chủ trương đúng đắn, sáng tạo, đột phá và chính sách “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư, 23 năm trở lại đây, Bình Dương đã xây dựng được 30 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp và nhiều khu đô thị mới. Tiên phong cho sự phát triển KT-XH ở Bình Dương phải nói đến Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bình Dương (BECAMEX IDC). BECAMEX IDC đã góp phần đáng kể để cho ra đời các khu công nghiệp nổi tiếng như: VSIP 1, VSIP 2, Mỹ Phước, Đồng An, Sóng Thần, Việt Hương… Đặc biệt, thành phố mới Bình Dương đang được quy hoạch và xây dựng để trở thành thành phố thông minh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giảm chi phí xã hội và tiêu thụ tài nguyên; cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền. Tại đây sẽ xuất hiện “trung tâm thương mại thế giới” cùng nhiều công trình hiện đại khác để đưa Bình Dương phát triển không ngừng. Chính vì thế, Bình Dương được mệnh danh là “vùng đất của hội tụ và phát triển”, hay Bình Dương-thành phố thu hút FDI thông minh. Đồng chí Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định: “Địa phương sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp mới để phát triển”.
Cũng tập trung vào phát triển trên lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai là nơi có rất nhiều khu công nghiệp nổi tiếng ở TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và đang xúc tiến để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Toàn tỉnh hiện có khoảng 39.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 264.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có 1.457 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký khoảng 30 tỷ USD. Năm 2019, Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Người Đồng Nai tự hào với vùng đất "sơn thủy hữu tình" đang trên đà phát triển rực rỡ 45 năm qua.
Xuôi về phía biển, chúng ta sẽ ngất ngây, ngỡ ngàng với vẻ đẹp và sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ một vùng đất nhiều hoang hóa, ảnh hưởng chất độc hóa học, giờ đây, Bà Rịa-Vũng Tàu trở nên trù phú với cảnh trên bến dưới thuyền, đô thị phát triển, có nhiều thế mạnh về phát triển KT-XH, nhất là về du lịch, dịch vụ cảng biển và dầu khí, dịch vụ logistics. Các loại dịch vụ này hằng năm mang lại cho địa phương nguồn thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kêu gọi đầu tư vào Trung tâm Dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép; đẩy nhanh việc triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và phát triển nhiều khu du lịch mới.
Hiện nay, miền Đông Nam Bộ chiếm khoảng 45% GDP, 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,3 lần đến 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics... lớn nhất Việt Nam.
Dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam năm nay, tôi không có dịp đi hết mảnh đất miền Đông “gian lao mà anh dũng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng tôi tin chắc một điều rằng, đất và người miền Đông luôn phát huy tốt truyền thống anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động sản xuất của mình. Sau khi chiến thắng dịch bệnh, đất nước sẽ phải gắng sức vượt qua những khó khăn thử thách để đi lên thì vùng đất miền Đông cũng sẽ kiên cường băng qua gian khó để phát triển. Bất chợt, bài hát “Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn vang lên đâu đó khiến tôi thêm ngất ngây, thương mến vùng đất này đến lạ...
Ghi chép của LÊ PHI HÙNG