Ở các chiến dịch này, lực lượng phòng không (LLPK) được sử dụng tập trung quy mô lớn, trang bị hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng cấp binh đoàn, liên binh đoàn diễn ra trong không gian rộng lớn, địa hình phức tạp, thời gian liên tục, tính cơ động cao, với nhiều hình thức tác chiến trong chiến dịch tiến công của bộ đội binh chủng hợp thành. Hoạt động tác chiến của LLPK rất khẩn trương, tích cực, liên tục bám sát hoạt động của binh chủng hợp thành, tập trung đánh địch trên không để bảo vệ và chi viện hỏa lực. Trong suốt 55 ngày đêm, bộ đội phòng không đã phát huy được vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ tiêu diệt và khống chế hoạt động của địch trên không, bảo vệ có hiệu quả đội hình tiến công của chiến dịch, bảo vệ các mục tiêu chiến lược, chiến dịch quan trọng và tham gia đánh địch ở mặt đất, mặt nước. Chỉ tính từ ngày 26-4-1975 đến kết thúc chiến dịch, LLPK đã bắn rơi 43 máy bay.

Từ thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cho thấy, LLPK phải nắm vững đối tượng tác chiến, thời cơ chiến lược, sử dụng LLPK tập trung, phát huy cao nhất khả năng đánh các loại máy bay địch, giành quyền chủ động trên không phận tác chiến, trong những thời điểm quyết định, những trận chiến đấu then chốt để bảo vệ đội hình tiến công của binh chủng hợp thành.

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, quân Mỹ rút khỏi miền Nam, đối tượng tác chiến của LLPK ta chủ yếu là không quân ngụy. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá chính xác về lực lượng, khả năng tác chiến của lực lượng không quân ngụy trên chiến trường, nhất là tình thế chiến lược ngày càng bất lợi đối với chúng; đồng thời, nhằm thực hiện thắng lợi quyết tâm tác chiến chiến lược của ta, LLPK chủ lực, chủ yếu là LLPK miền Bắc đã được huy động sử dụng tập trung với khả năng cao nhất để thành lập các sư đoàn, lữ đoàn phòng không mạnh, biên chế trong đội hình các quân đoàn, các hướng tác chiến. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, LLPK tham gia gồm: Phòng không trong biên chế của 5 quân đoàn chủ lực; Sư đoàn Phòng không 673 (3 trung đoàn) bảo vệ đội hình Quân đoàn 2 ở hướng đông; Lữ đoàn Phòng không 71 bảo vệ đội hình Quân đoàn 4 ở hướng đông bắc; Sư đoàn Phòng không 377 bảo vệ đội hình tiến công của Binh đoàn 232 ở hướng tây; 5 trung đoàn pháo phòng không bảo vệ Quân đoàn 3 ở hướng tây bắc. Sư đoàn Phòng không 367 với 5 trung đoàn pháo phòng không và 1 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Quân đoàn 1 ở hướng bắc.

Với lực lượng như trên, LLPK hoàn toàn có thể làm chủ được không phận, bảo vệ an toàn các hướng tiến công. Có thể nói, tác chiến của LLPK trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự kế thừa, phát triển tới đỉnh cao truyền thống, kinh nghiệm, khả năng và sức mạnh chiến đấu phòng không cả về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch. Đặc biệt là phải cơ động cao trong hành tiến liên tục, dài ngày, trên nhiều tuyến đường ở nhiều khu vực địa hình phức tạp, mới lạ. Các đơn vị phòng không liên tục cơ động, bám sát đội hình của binh chủng hợp thành; kết hợp vừa cơ động, vừa chốt chặn bảo vệ ở các trọng điểm. LLPK không chỉ đánh máy bay địch mà còn tích cực đánh địch mặt đất, chi viện có hiệu quả cho bộ binh.

Việc sử dụng lực lượng không quân bất ngờ, táo bạo tiến công những mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch trong thời điểm quyết định... là thành công độc đáo trong nghệ thuật sử dụng phòng không của ta nhằm giành và giữ vững thời cơ chủ động, áp đảo quân địch trên toàn khu vực quyết chiến chiến lược. Ngày 28-4-1975, sau một thời gian chuẩn bị, Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân quyết định sử dụng 5 máy bay A-37 thu được của địch, bất ngờ tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả, đã phá hủy và làm hư hỏng nặng 24 máy bay các loại của địch ở khu vực sân đỗ, diệt hàng trăm tên địch và làm tê liệt hoạt động sân bay, nhất là hoạt động di tản; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả đúng vào thời điểm khi 5 cánh quân lớn của ta đang tiến vào Sài Gòn, gây chấn động lớn và thúc đẩy nhanh quá trình tan rã của địch, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Cùng với sử dụng LLPK chiến đấu, ta luôn sử dụng và phát huy cách đánh truyền thống đạt hiệu quả cao của lực lượng đặc công, pháo binh tập kích các khu căn cứ hậu phương địch, nhất là các căn cứ sân bay chủ yếu của chúng (Biên Hòa, Tân Sơn Nhất) đã hạn chế rất lớn hoạt động của không quân địch, phối hợp làm chuyển biến thế trận có lợi cho ta để giành thắng lợi quyết định. Chiều 28-4-1975, Trung đoàn Pháo phòng không 226 bảo vệ vững chắc cụm pháo binh chiến dịch, tạo điều kiện cho pháo binh ta chế áp và làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của máy bay địch tại căn cứ Biên Hòa...

Những phát triển về nghệ thuật xây dựng lực lượng, sử dụng LLPK trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, tạo nên những cơ sở lý luận và thực tiễn bổ ích để LLPK tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, rèn luyện trở thành lực lượng mạnh, tiếp tục là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS NGUYỄN CÔNG TUỆ, Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Học viện Chính trị