Trước yêu cầu của chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định cách đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh là: “Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy hoặc lùi dần về Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành gồm: Sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, biệt khu thủ đô và tổng nha cảnh sát ngụy”.

Nhân dân Sài Gòn chào mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh tư liệu.

Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch. Các binh đoàn chủ lực được lệnh hành quân thần tốc, áp sát Sài Gòn để tạo thế bao vây, cô lập địch trên 5 hướng tiến vào thành phố Sài Gòn: Hướng bắc gồm Quân đoàn 1 được tăng cường Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) và một trung đoàn phòng không đảm nhiệm tiến đánh bộ tổng tham mưu và căn cứ bộ tư lệnh các binh chủng của quân ngụy ở Gò Vấp. Hướng tây bắc gồm Quân đoàn 3 cùng hai trung đoàn (1 và 2 Gia Định), các đội đặc công biệt động của Thành đội Sài Gòn được các lực lượng pháo binh và lực lượng phòng không chiến dịch chi viện tiến đánh Đồng Dù, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, phối hợp cùng Quân đoàn 1 đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy. Hướng đông bắc gồm Quân đoàn 4, được tăng cường Lữ đoàn bộ binh 52 (Quân khu 5) và một số tiểu đoàn binh chủng có nhiệm vụ tiến công sở chỉ huy bộ tư lệnh quân đoàn 3 và sư đoàn 18 của địch ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập. Hướng đông, Quân đoàn 2 tiến đánh Bà Rịa, các căn cứ Nước Trong, Long Bình, sau đó tiến vào cùng Quân đoàn 4 chiếm Dinh Độc Lập. Hướng tây và tây nam, Đoàn 232 và lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 8 có nhiệm vụ đánh chia cắt Đường số 4, chiếm biệt khu thủ đô và tổng nha cảnh sát ngụy. Các đơn vị đặc công biệt động và LLVT thành phố Sài Gòn cũng đồng thời đánh chiếm các cầu vào thành phố, dẫn đường các binh đoàn chủ lực thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công quân sự.

Đến trước 17 giờ ngày 26-4, ta đã hình thành được thế trận bao vây thành phố từ nhiều mặt. Ở phía đông, ta đã cắt hoàn toàn Đường số 1, sẵn sàng cắt đứt Đường số 15 (xuống Vũng Tàu), sông Lòng Tàu và khống chế Vũng Tàu, làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Quân ta đã áp sát con đường huyết mạch số 4, cắt lìa Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long. Các đơn vị thuộc Khu 8 mở rộng hoạt động ở Long An, sẵn sàng cắt Đường số 4 với kênh Chợ Gạo. Các lực lượng lớn của chiến dịch đã tiến dần vào vị trí triển khai. Các lực lượng đặc công, biệt động đã ém sẵn tại các vị trí quy định ở vùng ven và cả trong nội thành, sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu, mở và bảo vệ đường tiến cho các cánh quân lớn, đặc biệt là các cầu quan trọng trên đường vào trung tâm thành phố.

Đúng 17 giờ ngày 26-4, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Các binh đoàn chủ lực phối hợp với lực lượng tại chỗ đồng loạt tổ chức tiến công địch trên các hướng, nhanh chóng làm tan rã quân địch, ngăn chặn không cho chúng chạy về co cụm ở nội thành. Các lực lượng chiến dịch nhanh chóng thọc sâu, kết hợp với lực lượng tại chỗ, mở đường cho các binh đoàn cơ giới nhanh chóng đánh chiếm 5 mục tiêu đầu não đã quy định. Ta kết hợp đánh địch trên tuyến phòng thủ từ xa và đột phá tuyến phòng thủ cơ bản của địch với đánh địch trong thành phố; giữa cắt đường bộ với ngăn đường sông, khống chế đường không; giữa diệt bộ binh, thiết giáp với chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh địch và bắn phá làm tê liệt các sân bay. Ta còn sử dụng máy bay A37 lấy được của địch để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tạo nên sự phối hợp chiến dịch giữa trên không và mặt đất.

Với thế trận bao vây, chia cắt và hiệp đồng chặt chẽ, ta đã uy hiếp địch trên cả 5 hướng, khiến chúng trong, ngoài bị chia cắt, lâm vào thế “cá nằm trên thớt”, tạo cơ sở cho các mũi thọc sâu chiến dịch trên các hướng ào ạt tiến vào trung tâm Sài Gòn. Cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận diễn ra như vũ bão suốt hai ngày 29 và 30-4. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của Quân Giải phóng đã được cắm lên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc số phận của chính quyền ngụy Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thạc sĩ  LÊ MẠNH TIẾN