Ông Lê Hồng Nông (quê Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 91, kể: Khoảng 10 giờ 20 phút ngày 29-3-1975, ông đang chỉ huy một bộ phận của tiểu đoàn từ ngoại vi tiến vào trung tâm TP Đà Nẵng, còn cách 5km thì được chiến sĩ trinh sát báo cáo: Có 4 chiếc GMC (xe cơ giới do Mỹ sản xuất trang bị cho quân ngụy Sài Gòn) xuất hiện ở phía trước. Trên mỗi xe chỉ có duy nhất người lái mặc thường phục. Cả 4 xe đang đi theo hàng dọc, tiếp cận đội hình Tiểu đoàn 91.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chỉnh (giữa) thăm chiến trường xưa tại Quảng Nam. |
Với sự nhạy cảm của một cán bộ chính trị dạn dày trận mạc, ông Nông lập tức ra lệnh cho các chiến sĩ không được bắn những xe này, rồi ông trực tiếp gặp các lái xe. 4 thanh niên độ tuổi 22-26 cùng xuống xe, hào hứng nói với ông: "Thành phố đã mất quân quản. Chúng em đến đón bộ đội giải phóng. Các anh lên xe đi, chúng em chở vào đó".
Ông Nông cấp tốc hội ý chỉ huy. Chưa đầy hai phút sau, ông lệnh cho các phân đội lên xe. Mỗi xe có một cán bộ trung đội ngồi ghế đầu, bên cạnh lái xe. Tất cả theo sự chỉ huy của ông.
Đoàn xe tiến vào thành phố, đúng lúc quân địch tan rã đang chạy ra bán đảo Sơn Trà. Tiểu đoàn 91 kịp thời làm nhiệm vụ mặt trận giao phó, góp phần để vào lúc 11 giờ 30 phút, các lực lượng biệt động quân và Trung đoàn 96 chiếm Tòa thị chính Đà Nẵng, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy (lúc này thuộc sự kiểm soát của Quân Giải phóng).
Nghe chuyện của ông Lê Hồng Nông, ông Nguyễn Hữu Chỉnh (quê Hải Dương, nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5)-khách mời dự rất phấn chấn vì thấy trùng hợp với sự kiện ở đơn vị ông, chỉ khác về thời điểm:
Lúc đó khoảng 15 giờ ngày 29-3-1975, khi Đại đội 2 từ đất Đại Lộc (Quảng Nam) vượt sông Thu Bồn lên Quốc lộ 1 để tiến về đánh chiếm khu quân sự Hòa Cầm (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) thì gặp 4 chiếc GMC đón đường và mỗi xe cũng chỉ có người lái mặc thường phục. Các lái xe đon đả: "Các anh giải phóng cần đến đâu, chúng em chở đi!". Ông Chỉnh suy nghĩ giây lát rồi quyết định cho cả đại đội lên xe tiến về Hòa Cầm. Khi ấy, Sư đoàn 304 đã di chuyển qua TP Đà Nẵng, tiến về phía Nam. Đại đội 2 kịp thời tiếp quản khu Hòa Cầm.
Việc Đại đội 2 đi xe GMC như thế, sau đó bị đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 7 phê bình vì đã “chủ quan, mất cảnh giác”... Ông Chỉnh thay mặt ban chỉ huy đại đội nhận sự phê bình của cấp trên. Song, ông cũng báo cáo lại sự việc: “Lúc đó, quân ngụy đã đầu hàng. Sư đoàn 304 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Đà Nẵng, đang nhanh chóng tổ chức lực lượng phát triển vào phía Nam. Những người hàng binh xin được dùng xe ô tô chở quân ta vượt hàng chục cây số vào thành phố. Chỉ huy Đại đội 2 chớp thời cơ đó đưa đại đội tiến về khu Hòa Cầm trước giờ G, kịp thời đáp ứng sự phát triển mau lẹ của chiến sự. Có thể nói, đó cũng là hành động táo bạo và quyết thắng”. Nghe vậy, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 7 cười vui vẻ, song vẫn nhắc: “Nên nhớ, phòng và chống chủ quan, mất cảnh giác là không bao giờ thừa đâu nhé!”.
Tối hôm ấy, bà con dân phố Hòa Cầm vui mừng, tự tổ chức bữa cơm, mời cả Đại đội 2 cùng dự. Để tranh thủ sự hiểu biết giữa quân và dân, sau khi hội ý chi ủy, “cân nhắc” kỹ càng, ông Chỉnh đồng ý nhận lời mời của bà con. Trước khi thực hiện, ông tổ chức để toàn đại đội quán triệt sâu sắc kỷ luật dân vận và những quy định khi tiếp quản thành phố; phân công các lực lượng làm nhiệm vụ canh gác, rồi ông cùng tập thể ban chỉ huy, anh em chiến sĩ liên lạc, y tá đại đội ăn cơm với một gia đình. Tuy nhiên, ông không ngồi lâu một chỗ mà đến mỗi gia đình một vài phút, vừa thăm hỏi bà con, vừa kiểm tra, nắm tình hình mọi mặt và ông thấy ở chỗ nào bà con cũng hào hứng đón mừng bộ đội vào giải phóng thành phố.
Bài và ảnh: XUÂN THƯƠNG