Hình ảnh tàn binh, thân nhân sĩ quan, binh sĩ, viên chức ngụy trút bỏ vũ khí, quân phục, cảnh phục phơi trên sân cảng, vội vã trốn khỏi Đà Nẵng bằng đường thủy được xem là vết nhơ muôn đời của ngụy. Cuộc rút chạy thảm bại ấy cho thấy nghệ thuật chiến dịch trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng, đặc biệt là trình độ, nghệ thuật chiến đấu hiệp đồng, bao vây rộng, đột phá sâu, tiêu diệt gọn của quân ta đã được nâng lên một bước, nhuần nhuyễn và dần hoàn thiện, tạo thế và lực để tiến về giải phóng Sài Gòn.
Tiếp sau chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, ngày 10-3-1975, Sư đoàn 2, Quân khu 5 giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp Tam Kỳ (Quảng Nam); đồng thời đẩy mạnh tiến công địch ở các khu vực Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, uy hiếp thị xã Quảng Ngãi. Đến ngày 24-3-1975, ta giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ và hầu hết tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 19-3-1975, ta giải phóng Quảng Trị và ngày 25-3-1975 giải phóng Huế.
Kết quả này khiến cho lực lượng còn lại của quân đoàn 1 và quân khu 1 ngụy rút cả về Đà Nẵng. Chúng cho rằng, phải mất một tháng ổn định thì ta mới đánh vào Đà Nẵng nên hô hào và kêu gọi “tử thủ”. Đây là phán đoán sai lầm bởi lúc này Đà Nẵng đã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn khỏi hệ thống đường bộ, bị bao vây từ 3 hướng khiến cho mọi hoạt động tiếp quản Đà Nẵng chỉ trông chờ vào đường hàng không và đường biển.
 |
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu/ TTXVN. |
Ngày 26-3-1975, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch. Đến ngày 28-3-1975, ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch và triển khai lực lượng áp sát TP Đà Nẵng từ nhiều hướng. Trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt nên ngay trong ngày 26-3, Mỹ buộc phải lập cầu hàng không để di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn. Điều này khiến tinh thần binh lính địch rối loạn.
Chớp thời cơ đến, rạng sáng 29-3-1975, ta tập trung 30 khẩu pháo lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn mãnh liệt, cấp tập vào các khu vực Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn, kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công giải phóng Đà Nẵng từ nhiều hướng. Ở hướng bắc, lực lượng ta theo Đường 1 đột phá qua đèo Hải Vân chiếm kho xăng Liên Chiểu, thọc sâu vào Đà Nẵng, ra bán đảo Sơn Trà chiếm quân cảng (lúc 13 giờ 30 phút ngày 29-3-1975). Trên hướng tây bắc, quân ta tiến theo Đường 14, làm chủ Phước Tường, Hòa Khánh và sở chỉ huy sư đoàn 3, sau đó phối hợp đánh chiếm đài phát thanh, tòa thị chính (9 giờ 30 phút ngày 29-3), phát triển ra bán đảo Sơn Trà; hướng tây nam đập tan địch ở Phú Hương, Đồng Lâm, truy kích về Ái Nghĩa, chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm và phối hợp đánh chiếm sân bay Đà Nẵng. Trên hướng nam, quân ta đánh chiếm các khu vực Bà Rén, Duy Xuyên, Nam Phước, Vĩnh Điện rồi phát triển vào Đà Nẵng, chiếm Sở chỉ huy quân đoàn 1, sư đoàn không quân 1 ngụy và sân bay Đà Nẵng (12 giờ ngày 29-3-1975). Ở hướng đông nam, quân ta làm chủ thị xã Hội An, khu Non Nước, căn cứ hải quân, phối hợp đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Đến 15 giờ ngày 29-3-1975, chiến dịch kết thúc, ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận.
Sau hơn ba ngày tiến công thần tốc, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng (bao gồm quân khu 1 và quân đoàn 1 của quân đội Sài Gòn), loại khỏi vòng chiến đấu 90.000 tên, thu và phá hủy 115 máy bay, 47 tàu xuồng, 138 xe tăng và xe bọc thép, hơn 69.000 súng các loại (có 109 khẩu pháo từ 105 đến 175mm) và nhiều trang bị kỹ thuật khác.
Lúc 5 giờ 30 phút ngày 28-3, pháo binh ta bắn phá, chế áp các mục tiêu trong thành phố, hỗ trợ cho các lực lượng trên các hướng tiến công vào Đà Nẵng. Đúng 7 giờ ngày 29-3, quân ta từ các hướng đồng loạt tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, kết hợp với thọc sâu. Đến 15 giờ ngày 29-3-1975, ta đã đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu quan trọng trong thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Kết hợp với đòn tiến công quân sự, lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy, diệt ác, phá kìm, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng là căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất, hiện đại nhất khu vực miền Trung của ngụy. Nó là cái “dạ dày” cung cấp người, vũ khí, khí tài, nhiên liệu... phục vụ địch ở Tây Nguyên, Quảng Trị, Trị Thiên-Huế và các tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Định. Mất Đà Nẵng thì coi như mất đi “trái tim” của cả vùng đất rộng lớn. Xác định vị thế đó nên từ trước đây địch đã tập trung xây dựng và phòng thủ Đà Nẵng từ xa. Thế nhưng, bằng thế chiến lược được tạo lập từ đòn đánh Tây Nguyên thắng lợi, thừa thắng quân ta đã giải phóng các địa phương lân cận Đà Nẵng như đã nói, nhanh chóng cô lập, chia cắt Đà Nẵng trên bộ.
Thắng lợi trong Chiến dịch Đà Nẵng một lần nữa đã khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội ta. Đặc biệt là trình độ đạt đến nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực và địa phương, nhất là các đơn vị của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 2 (Quân khu 5).
Bị mất Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, địch lâm vào thế bị động chiến lược, phải lập “lá chắn thép” tại Phan Rang hòng ngăn cản bước tiến của quân ta; bảo vệ Sài Gòn từ xa.
Trên thực tế, kể từ sau Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, dù đã qua mấy chiến dịch giải phóng các tỉnh khác, nhưng đến Chiến dịch Đà Nẵng, quy mô tác chiến hiệp đồng binh chủng lớn và trên diện rộng mới được áp dụng. Thế nên, tính từ sau khi nổ súng mở màn chiến dịch, chỉ vài ngày ta đã tiêu diệt lực lượng vòng ngoài của địch. Trên cơ sở thuận lợi đó, chỉ hơn một ngày sau, các hướng mũi chủ lực của ta đã thọc sâu, đột phá vào các khu vực phòng ngự quan trọng của căn cứ liên hợp Đà Nẵng, trong đó có cả vị trí chỉ huy và bến cảng, sân bay.
Các nhà quân sự phân tích, sau khi giải phóng Huế, ta hoàn toàn có thể tiến đánh và giải phóng ngay Đà Nẵng nhưng đã không chọn phương án đó. Ta chọn phương án thực hiện đồng thời thành công 2 chiến dịch trước là Trị Thiên-Huế và Nam-Ngãi. Thắng lợi từ 2 chiến dịch này đã góp phần khiến địch mệt mỏi, rệu rã và nhanh chóng tan vỡ khi các đơn vị của ta đột kích vào Đà Nẵng từ nhiều hướng. Thế nên, việc lựa chọn phương án cô lập Đà Nẵng trên bộ, rồi tiến tới “bức tử” cái gọi là “dạ dày chiến lược” từ nhiều hướng, nhiều mũi gần như trong thời gian ngắn đã cho thấy nhận định và quyết định sáng suốt của Đảng ta.
MẠNH THẮNG (tổng hợp)