Từ cánh quân phía tây bắc Sài Gòn…
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (thời điểm đó là Tham mưu phó Quân đoàn 3), kể lại: Với khí thế của những người đã làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên, cùng niềm tự hào của một đơn vị được ra đời trong thời điểm bão táp quyết định vận mệnh thiêng liêng của dân tộc, khi nhận nhiệm vụ mới, toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đoàn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại; vững một niềm tin ngày không xa sẽ có mặt trong thời khắc toàn thắng của dân tộc. Lúc bấy giờ, ai phải ở lại Tây Nguyên để giải quyết công tác hậu phương được xem như một sự thiệt thòi lớn. Mệnh lệnh “thần tốc” mà Bộ Chính trị đề ra cho toàn quân, đối với Quân đoàn 3 không chỉ là “cơ động thần tốc” mà trước hết là “thu quân thần tốc”, “củng cố, bổ sung trang bị thần tốc”. Có thể nói Quân đoàn 3 bước vào chiến dịch lịch sử của một quân đoàn được thành lập và tổ chức “trong hành tiến”.
 |
Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu.
|
Với sự trưởng thành vượt bậc về tổ chức, lực lượng, vũ khí trang bị và nghệ thuật quân sự, Quân đoàn 3 được Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu tây bắc Sài Gòn. Trải qua 10 ngày chiến đấu (tính từ ngày 21-4-1975, khi Sư đoàn 316 hoạt động thu hút kìm chân, cắt Đường số 1 từ Bầu Nâu đến Trà Võ), quân đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn bộ binh 25, thiết đoàn 10, 3 liên đoàn biệt động quân, lữ đoàn dù số 4, trại huấn luyện Quang Trung, 14 tiểu đoàn bảo an, 1 liên đoàn công binh và toàn bộ lực lượng cảnh sát, dân vệ của các quận Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Củ Chi, Hóc Môn, Phú Hòa; đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu quân ngụy, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 7-1975, tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh do Quân đoàn 3 tổ chức tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tới dự và phát biểu: “Quân đoàn 3 tham gia từ đầu đến cuối cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói đặc biệt xuất sắc".
... đến binh đoàn bám trụ trên cao nguyên
Sau ngày thống nhất đất nước, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả sau chiến tranh; phối hợp với LLVT, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương truy quét FULRO và các nhóm phản động, tiếp tục hành quân làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Tháng 6-1979, quân đoàn cơ động ra đóng quân ở tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên) làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc.
Phát huy kết quả đạt được trong chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, từ khi trở lại địa bàn chiến lược Tây Nguyên cuối năm 1987, cái nôi đã sản sinh, nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che mình, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực” giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt công tác.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3, cho biết: “Vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm trong chiến đấu, quân đoàn đã tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng SSCĐ, bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật trong biên chế; thành thạo tác chiến độc lập, tác chiến theo nhiệm vụ; thường xuyên tổ chức các loại hình diễn tập về chỉ huy tham mưu; tổ chức huấn luyện vượt sông trong hành, trú quân, diễn tập đối kháng giữa các đơn vị để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, thực hành chiến đấu cho người chỉ huy và phân đội”.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Quân đoàn 3 còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.
Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN