Norng Chan Phal là một trong 4 đứa trẻ được Quân tình nguyện Việt Nam cứu khỏi nhà tù Tuol Sleng sau khi Khmer Đỏ tháo chạy năm 1979. Nhà tù Tuol Sleng (còn gọi là S-21) là nơi giam giữ, tra tấn 16.000 người dưới chế độ Khmer Đỏ và thường được truyền thông gọi là “địa ngục trần gian”. “Đó là những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi”, ông Norng Chan Phal đã viết như vậy trong cuốn sách “Norng Chan Phal: Điều thần bí của một cậu bé ở S-21” xuất bản năm 2018.

Trong cuốn sách, Norng Chan Phal kể rằng, bố của ông bị Khmer Đỏ bắt tháng 12-1978 và bị giam ở nhà tù Tuol Sleng. Vài tháng sau, cậu bé Chan Phal cùng mẹ và em trai Norng Chan Ly cũng bị bắt và giam tại đây. “Mẹ tôi khi đó bị ốm và không thể tự bước xuống xe tải. Chúng lôi mẹ tôi xuống và tát vào mặt bà nhiều lần. Sau đó, bà bị nhốt trong một buồng giam trên tầng hai, còn hai anh em thì bị đưa đến khu bếp của nhà tù. Tôi thấy mẹ nhìn chúng tôi qua cửa sổ. Tôi không bao giờ gặp lại mẹ kể từ đó”, Chan Phal kể lại.

Hơn nửa năm ở trong nhà tù Tuol Sleng là quãng thời gian khủng khiếp nhất của Chan Phal cũng như nhiều nạn nhân dưới chế độ Khmer Đỏ. Chan Phal phải chăm sóc vườn rau và ngủ gần chuồng lợn. Bữa ăn của hai anh em Chan Phal chỉ là cháo. Ông Chan Phal cho biết, ở trong phòng giam, trẻ con không có quần áo mặc nên trở thành mồi ngon của côn trùng, đặc biệt là muỗi.

Tháng 1-1979, khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ theo đề nghị của phong trào cách mạng Campuchia, tàn quân của Pol Pot đã hoảng loạn tháo chạy. Trước khi rời đi, những tên cai ngục tại nhà tù Tuol Sleng dồn tất cả tù nhân lên xe tải. Một phụ nữ kéo đám trẻ con lên xe nhưng hai anh em Chan Phal đã nhanh trí trốn vào đống quần áo.

Sau khi quân Khmer Đỏ rời đi, Chan Phal chạy đi tìm mẹ. “Tôi leo lên tầng hai nhưng không thấy mẹ. Tôi chạy đến một tòa nhà khác và thấy những thi thể nằm trong bể máu. Tôi sợ hãi, bật khóc và tiếp tục chạy đi tìm”, ông kể.

Không tìm thấy mẹ và nghe thấy tiếng súng, Chan Phal sợ hãi quay trở lại trốn trong đống quần áo. Vài giờ sau, Quân tình nguyện Việt Nam đến và phát hiện 5 đứa trẻ ở nhà tù. Nhưng sau đó, một em nhỏ đã qua đời. Những đứa trẻ còn lại đều trong tình trạng không mảnh vải che thân, người chi chít vết muỗi đốt. Quân tình nguyện Việt Nam cho những đứa trẻ ăn rồi đưa đến bệnh viện. Anh em Chan Phal sau đó được chuyển vào trại trẻ mồ côi.

Nhiều năm sau, khi thăm lại nhà tù Tuol Sleng-nơi hiện là Bảo tàng diệt chủng lưu giữ bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ-ông Chan Phal òa khóc. “Tôi nhìn vào nơi tôi từng thấy mẹ qua cửa sổ. Tôi vẫn cảm thấy đau đớn khi nhớ đến lúc bà bị Khmer Đỏ đánh đập”, ông Chan Phal nghẹn ngào nói.

Cũng như Chan Phal, cậu bé 15 tuổi Youk Chhang, bị Khmer Đỏ bắt khi đang đi hái nấm trong rừng. Ở trong tù, Youk Chhang bị tra tấn, đánh đập như hàng trăm tù nhân khác. Không chỉ đày đọa ban ngày, hằng đêm, Khmer Đỏ còn bắt tù nhân làm lễ sám hối và cầu xin được tha thứ. Một sự tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần mà đến nay mỗi khi nhớ lại ông Youk Chhang không khỏi rùng mình. May mắn hơn Chan Phal, ông Youk Chhang được thả nhờ lời cầu xin của một tù nhân lớn tuổi. Thế nhưng, ngay trong đêm Youk Chhang rời khỏi nhà tù Tuol Sleng, người tù nhân tốt bụng đó đã bị Khmer Đỏ sát hại.

Ông Youk Chhang hiện là Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia. Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Youk Chhang cho rằng, sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam tất yếu phải diễn ra trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử vì Khmer Đỏ đã tàn sát đẫm máu người dân Campuchia. Những người chạy lánh nạn sang Thái Lan đã thông báo với thế giới về thảm họa diệt chủng, nhưng không có nước nào ở các khu vực khác can thiệp. Vì thế, “sự hiện diện của quân đội Việt Nam là điểm gỡ nút thắt quan trọng để chấm dứt chế độ Khmer Đỏ, không thể bằng đàm phán mà phải dùng biện pháp quân sự”, ông Youk Chhang khẳng định.

Đánh giá về việc quân đội Việt Nam tiến vào giúp nhân dân Campuchia, Giáo sư Go Ito thuộc Trường Đại học Meiji (Nhật Bản) cho rằng, đối với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mang tính quốc tế của chế độ Khmer Đỏ, việc quân đội Việt Nam lật đổ chế độ này là hành động giải cứu nhân loại, là một đóng góp lớn của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế.

BÌNH NGUYÊN