Hội thảo nhằm đánh giá các phương thức và hiệu quả truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu xã hội. Tham dự hội thảo có các nhà quản lý và điều hành thực thi chính sách BHXH, BHYT; nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí - truyền thông và đông đảo các nhà báo.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh chung.

Hội thảo đã thu hút hơn 30 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo có uy tín, được đăng trong kỷ yếu khoa học. Trong đó, bao gồm báo cáo về các nhóm chủ đề tiêu biểu như: Những kết quả đã đạt được cho đến nay, những điểm yếu, điểm cần chú trọng về truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới đối với các cơ quan báo chí; các vấn đề nổi cộm được phản ánh về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay trên các loại hình báo chí; phản biện xã hội của các cơ quan báo chí về BHXH, BHYT; ứng dụng những phương thức truyền thông mới trên mạng xã hội và các mô hình truyền thông có sự tham gia của người dân trong việc thúc đẩy thực thi chính sách BHXH, BHYT…

Tại hội thảo, Thạc sĩ Dương Ngọc Ánh, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến năm 2018, số người tham gia BHXH là 13,79% triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,69 triệu người, BHYT là 80,55 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 85,9% dân số cả nước. Tuy nhiên, so mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là phấn đấu đến năm 2020 có 50% dân số tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia BHTN và mới đây nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phấn đấu đến 2020 phải đạt 90% dân số có BHYT, hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn bởi tỉ lệ người tham gia BHYT, BHXH.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về cơ sở lý luận, mô hình và phương thức truyền thông chính sách nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng trong bối cảnh xã hội Việt Nam và kỷ nguyên truyền thông 4.0. Đồng thời, hội thảo đúc kết, đánh giá thực tiễn triển khai hoạt động truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên tất cả các kênh như: Báo in, phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, báo điện tử và mạng xã hội. Qua đó, tạo ra một không gian đối thoại giữa ba nhóm để tăng cường hiểu biết và nâng cao năng lực lẫn nhau nhằm đạt được các mục tiêu truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới. Trong đó, có mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BHTN và 90% dân số tham gia BHYT. Để khắc phục tình trạng này, công tác truyền thông chính sách BHYT, BHXH cần phải có những giải pháp nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông trong thời gian tới.

Tin, ảnh: THÁI SƠN